Mỹ và châu Âu lo sốt vó vì công nghệ vũ khí nhạy cảm lọt vào tay Nga

Hồng Anh |

Mỹ và Liên minh châu Âu hồi cuối tháng 3 đã trao đổi thông tin về những công nghệ vũ khí nhạy cảm trị giá hàng tỷ USD đang “lọt qua kẽ hở phòng thủ thương mại” của họ và rơi vào tay Nga.

New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết, các quan chức cấp cao phụ trách thuế quan, thương mại của Mỹ và EU đã ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng chip và linh kiện điện tử được bán sang Nga thông qua Armenia, Kazakhstan cùng nhiều quốc gia khác. Họ đã chia sẻ thông tin về dòng chảy của 8 loại chip đặc biệt nhạy cảm cùng nhiều thiết bị điện tử khác mà họ cho là đóng vai trò thiết yếu đối với lĩnh vực phát triển vũ khí của Nga, trong đó có cả tên lửa hành trình.

Mỹ và châu Âu lo sốt vó vì công nghệ vũ khí nhạy cảm lọt vào tay Nga - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine đang sử dụng các tên lửa đất đối đất để tấn công các mục tiêu ở khu vực Donbass ngày 7/6/2022. Ảnh: AFP

Công nghệ phương Tây tiếp tục tuồn vào tay Nga

Khi Ukraine cố gắng đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ, Mỹ và các đồng minh cũng tiến hành những nỗ lực song song để ngăn các linh kiện và công nghệ quan trọng đối với việc sản xuất hệ thống vũ khí, máy bay không người lái và xe tăng của họ rơi vào tay Nga. Nhưng việc ngăn cản Nga tiếp cận những công nghệ này là một thách thức lớn đối với Mỹ và châu Âu. Bất chấp các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mà Mỹ và châu Âu áp đặt thời gian, Nga được cho là vẫn có nhiều công nghệ và các linh kiện điện tử của phương Tây.

Có một thực tế khắc nghiệt mà Mỹ và các đồng minh không thể bỏ qua, đó là, khi họ tập hợp lại để cung cấp vũ khí cho Ukraine, công nghệ của chính những nước này lại đang được Nga sử dụng trên chiến trường để đối phó Kiev. Dù các quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định, những biện pháp trừng phạt sâu rộng mà Washington phối hợp với 38 quốc gia khác thực hiện đã ngăn cản Nga mua sắm những bộ phận mà nước này cần.

Ông Alan Estevez, quan chức phụ trách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tại Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực làm suy yếu khả năng duy trì và tái thiết lực lượng quân sự của Nga. Công việc này rất khó khăn. Nga đang tìm cách thích nghi với các biện pháp trừng phạt và chúng tôi cũng phải tìm cách đối phó với sự thích nghi của họ”.

Doanh số bán chip trực tiếp của Mỹ và các đồng minh cho Nga đã giảm xuống con số 0. Các quan chức Mỹ cho rằng, Nga đã sử dụng phần lớn nguồn cung cấp linh kiện vũ khí chính xác của nước này trong các cuộc giao tranh kéo dài hơn 1 năm, vì thế phải thay thế bằng những bộ phận kém chất lượng hoặc kém chính xác.

Song dữ liệu thương mại lại cung cấp một bức tranh hoàn toàn khác, khi cho thấy nhiều quốc gia đã cung cấp cho Nga những thứ mà nước này cần. Số lượng chip nhập khẩu của Nga đã giảm mạnh ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhưng sau đó tăng trở lại, với nhà cung cấp chính là Trung Quốc. Tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator cho biết, nhập khẩu chip của Nga tính trung bình mỗi tháng, từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, thậm chí cao hơn so với mức trước khi xung đột diễn ra.

Thách thức đối với phương Tây

Bà Sarah V. Stewart, Giám đốc Điều hành của Silverado cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt đối với Nga đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng hiện có của nước này. Song bà lưu ý, Moscow “vẫn tiếp tục nhận được một số lượng lớn chip” từ một số nguồn khác. “Đó thực sự là một mạng lưới cung ứng rất lớn, rất phức tạp vì chip là bộ phận phổ biến”.

Đến thời điểm hiện đại, Nga được cho là vẫn dựa vào kho dự trữ thiết bị điện tử và vũ khí lớn mà họ tích lũy được trước cuộc xung đột với Ukraine. Nhưng nguồn cung có thể đang cạn kiệt, khiến Moscow phải tìm cách bổ sung vào kho dự trữ này.

Khi Nga cố gắng vượt qua các biện pháp trừng phạt, các quan chức Mỹ đã siết chặt quy định của họ, trong đó có việc bổ sung biện pháp trừng phạt đối với hàng chục công ty và tổ chức tại Nga, Iran, Trung Quốc, Canada và nhiều nước khác. Mỹ cũng mở rộng hạn chế thương mại đối với các vật dụng thông thường có chứa chíp như máy nướng bánh mì, máy sấy tóc …, đồng thời thành lập một lực lượng đặc trách công nghệ để điều tra và truy tố các đối tương cố gắng tiếp cận công nghệ nhạy cảm một cách bất hợp pháp.

Tuy vậy, việc quản lý xuất nhập khẩu chip điện tử là công việc rất khó khăn do sự phổ biến của các chất bán dẫn. Các công ty Mỹ đã chuyển giao 1,15 nghìn tỷ chip cho các khách hàng trên toàn cầu vào năm 2021, bổ sung vào kho dự trữ chip khổng lồ trên toàn thế giới. Trung Quốc – quốc gia không bị áp lệnh trừng phạt trong lĩnh vực này, đã tung ra thị trường những con chip ngày càng tinh vi hơn.

Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, đại diện cho các công ty sản xuất chip lớn, cam kết hợp tác với chính phủ Mỹ và nhiều đối tác khác để chống lại việc buôn bán chất bán dẫn bất hợp pháp, nhưng việc kiểm soát dòng chảy của chúng là một thách thức lớn.

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu độc lập Conflict Armament Research có trụ sở tại Anh công bố ngày 18/4 lần đầu tiết lộ rằng, Nga đang chế tạo vũ khí bằng những con chip được sản xuất sau thời điểm xung đột. Tuy nhiên, báo cáo không tiết lộ nhà sản xuất các con chip này.

Trong một tuyên bố vào năm 2022, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo vũ khí Kalashnikov Concern của Nga, ông Alan Lushnikov đã công khai thách thức các hạn chế công nghệ của phương Tây: “Họ không thể cô lập Nga khỏi toàn bộ cơ sở cung cấp linh kiện điện tử trên toàn cầu”.

Tài liệu từ cuộc họp tháng 3 của các quan chức Mỹ và châu Âu cho thấy, phương Tây ngày càng lo ngại Nga sẽ có được linh kiện quan trọng của họ thông qua Armenia, Kazakhstan và nhiều nước Trung Á khác.

Tài liệu của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ công bố năm 2022 cho biết, Armenia đã nhập khẩu hơn 515% số lượng chip và bộ vi xử lý từ Mỹ, 212% từ Liên minh Châu Âu. Nước này sau đó đã xuất khẩu 97% các sản phẩm tương tự sang Nga. Cơ quan này cũng xác định 8 loại chip và linh kiện của phương Tây trong vũ khí Nga, trong đó có một loại được dùng cho tên lửa hành trình KH-101.

Để ngăn chặn linh kiện và công nghệ nhạy cảm lọt vào tay Nga, Mỹ và châu Âu đã tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, thuyết phục các nước đối tác ngừng trung chuyển hàng hóa sang Nga thông qua khu vực thương mại tự do. Nhưng Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Matthew Axelrod cho biết: “Vẫn có một số khu vực nhất định trên thế giới đang được sử dụng để đưa các mặt hàng này đến tay Nga. Chúng tôi đang giải quyết vấn đề đó”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại