"Trong những năm 90, tôi đã từng tìm hiểu một trường hợp khó tin, liên quan đến việc bán hệ thống tên lửa S-300 của chúng ta [Nga] cho Mỹ.
Tôi đã có được thông tin bất ngờ do các nguồn tin riêng trong chính phủ, trong ngành công nghiệp quốc phòng, bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo cung cấp. Lầu Năm Góc đã vô cùng lo ngại rằng S-300 vượt trội hơn tổ hợp Patriot của họ" - ông Victor Parantis nói với tờ Komsomolskaya Pravda.
"CIA đã được giao nhiệm vụ vén màn các bí mật về S-300 trong một sứ mệnh mang mật danh 'Mission Gladiator'" - ông Parantis cho hay.
Theo nhà báo này, CIA đã đánh cắp được một số phần mềm của hệ thống điều khiển S-300 bằng cách hối lộ 2 nhân viên tại văn phòng thiết kế và trung tâm nghiên cứu.
"Tuy nhiên, họ đã không thể vén màn các bí mật của hệ thống phòng không Nga. Khi họ cố mổ xẻ hệ thống điều khiển thì toàn bộ các thiết bị điện tử và bảng mạch đã bị vô hiệu hóa" - ông Parantis nói.
Sau nỗ lực bất thành này, người Mỹ lại nghĩ ra một cách khác. "Họ tìm tới một vị tướng trong bộ quốc phòng Nga, và ra giá 140 triệu USD để mua phiên bản đầy đủ của tên lửa S-300".
"Vị tướng Nga đã xiêu lòng trước lời đề nghị này nhưng vẫn cần phải có sự cho phép của Tổng thống Nga khi ấy - Boris Yeltsin.
Ông Yeltsin đã bị vị tướng thuyết phục rằng Nga có thể dùng tiền của người Mỹ để phát triển các loại vũ khí tốt hơn S-300 trong lúc Washington bận bịu khai phá các bí mật của hệ thống này" - ông Parantis cho hay.
Ông Yeltsin sau đó đã ra lệnh chuyển giao các tên lửa S-300 cho Mỹ, cùng với tất cả các tài liệu hướng dẫn được dịch sang tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo ông Parantis, "chính phủ Nga rút cuộc chỉ nhận được 47 triệu USD. Còn Mỹ phải mất nhiều năm liền để nâng cấp các tên lửa Patriot của họ lên mức tiệm cận với S-300".