Mỹ tự chặt chân mình: Ném hàng trăm triệu USD mua trực thăng Mi-17 rồi cấm vận Nga

Minh Hoàng |

Sau khi tốn hàng triệu USD trang bị cho Afghanistan các trực thăng Nga, nay Mỹ lại không thể mua phụ tùng cần thiết cho công tác bảo dưỡng chúng vì lệnh cấm vận ban hành năm 2014.

Giới chức quân sự Mỹ đang bàn đến việc bỏ hàng triệu USD nhằm thay thế các trực thăng Mi-17 cung cấp cho Afghanistan theo chương trình viện trợ quân sự bằng trực thăng UH-60 Black Hawk do Mỹ sản xuất. Điều này đã làm dư luận nước Mỹ phải đặt câu hỏi tại sao?

Hôm 2-12 vừa rồi, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đăng tải toàn bộ cuộc trả lời báo chí của tướng John Nicholson, tư lệnh lực lượng liên quân Afghanistan, trong đó có đề cập đến vấn đề thay thế các trực thăng Mi-17 của Không quân Afghanistan:

"Như các bạn đã biết, quyết định trang bị máy bay Mi-17 cho Afghanistan được phê chuẩn trước sự kiện Crimea, trước biến cố ở Ukraine và trước những lệnh trừng phạt. Việc này xuất phát từ những phi công Afghanistan, họ đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng loại trực thăng này. Vì thế chúng ta đã quyết định đặt mua các máy bay Mi-17 do Nga chế tạo.

Tất cả đã thay đổi từ năm 2014, khi các lệnh trừng phạt được ban hành".

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga năm 2014 xung quanh các biến cố chính trị ở Ukraine đã ngăn cản chính họ tiếp tục mua các trực thăng Mi-17 cũng như phụ tùng thay thế để trang bị cho Không quân Afghanistan.

Các khó khăn này ban đầu được tháo gỡ, Mỹ đã thông qua bên thứ ba, cụ thể là đồng minh Australia mua một số phụ tùng cho trực thăng Mi-17:

"Để tạm thời duy trì hoạt động cho các máy bay Mi-17 trong thời kỳ khó khăn này, chúng ta đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ một số đồng minh, gồm Australia và một số quốc gia khác, thành lập quỹ tín dụng phục vụ bảo dưỡng cho chúng. Sắp tới các trực thăng UH-60 sẽ thay thế chúng".

Mỹ tự chặt chân mình: Ném hàng trăm triệu USD mua trực thăng Mi-17 rồi cấm vận Nga - Ảnh 1.

Trực thăng Mi-17 của Afghanistan

Ngân sách quốc phòng eo hẹp của Afghanistan không đủ chi trả cho toàn bộ các hoạt động quân sự, vì vậy các quốc gia đồng minh phải thành lập các quỹ tín dụng nhằm giúp đỡ quân đội Afghanistan vận hành bộ máy của mình.

Tuy nhiên tướng Nicholson cũng cho rằng thay thế các trực thăng Mi-17 bằng UH-60 không phải là giải pháp tối ưu:

"Các máy bay Mi-17 rất thích hợp với địa hình ở Afghanistan, và phi công của họ cũng cảm thấy rất thoải mái khi sử dụng nó. Về vấn đề bảo dưỡng máy bay, đặc biệt là khung thân, hiện tại rất khó khăn. Chính phủ Afghanistan đã cử đại diện đến Nga thảo luận và mong muốn phía Nga tỏ thiện chí bảo dưỡng miễn phí. Người Nga đã từ chối.

Cho dù phía Afghanistan đã khẩn khoản đề nghị nhưng phía Nga vẫn từ chối thực hiện bảo dưỡng. Các lệnh trừng phạt chống Nga đã làm cho công tác duy trì đội bay này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết".

Mỹ không muốn chi tiền cho người Nga, Nga lại không muốn bán phụ tùng và bảo dưỡng miễn phí cho các máy bay Afghanistan.

Quân đội Afghanistan từng được nhận hàng tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm, tuy nhiên chính phủ yếu kém đã không quản lý được chúng, nạn biển thủ và tham nhũng tràn lan đã buộc Mỹ thực hiện viện trợ quân sự thông qua các quỹ tín dụng do chính phủ Mỹ trực tiếp chi trả.

Hiện tại chính phủ Mỹ đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan". Quốc hội Mỹ kiên quyết không đồng ý gỡ bỏ một số lệnh cấm vận đối với Nga nhằm mở đường cho việc cung cấp phụ tùng trực thăng cho Afghanistan.

Trong tương lai khi đội bay Mi-17 phải dừng hoạt động, Mỹ sẽ phải tiếp tục chi hàng triệu USD nhằm tái trang bị và tái huấn luyện các phi công Afghanistan sử dụng loại máy bay mới. Đây sẽ là một sự lãng phí lớn, đặc biệt khi ngân sách cho quốc phòng và viện trợ quân sự của Mỹ tiếp tục bị cắt giảm trong các năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại