Xinhua đưa tin, tàu sân bay Phúc Kiến có lượng giãn nước hơn 80.000 tấn. Theo mạng Liên hợp Buổi sáng của Hong Kong, tàu dài 316 mét (dài gần bằng tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R. Ford của Mỹ - dài 333 mét), có sàn đáp thẳng rộng 76 mét.
Để phóng máy bay, tàu Phúc Kiến không dùng công nghệ truyền thống là nhảy trượt tuyết mà dùng công nghệ phóng mới nhất hiện nay là phóng điện từ. Như vậy, Trung Quốc là nước thứ hai trên thế giới sử dụng công nghệ này.
Nước đầu tiên là Mỹ, dùng cho tàu sân bay USS Gerald R. Ford, nhưng công nghệ phóng điện từ này của Mỹ cũng chưa thực sự hoàn thiện.
Tàu Phúc Kiến được lắp đặt 3 bộ thiết bị phóng điện từ nên chở được nhiều loại máy bay hơn (khoảng 50 máy bay), ngoài chiến đấu cơ J-15, tàu còn chở máy bay cảnh báo sớm cánh cố định KJ-600, máy bay tàng hình J-35, máy bay không người lái GJ-11 (hoặc máy bay không người lái tàng hình CH-7 đang được thử nghiệm).
Theo báo Úc News, tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc sẽ lớn hơn tàu Phúc Kiến, dùng động cơ đẩy hạt nhân, có thể cung cấp năng lượng cho các vũ khí như laser và súng điện từ railgun. Nhiều khả năng Công ty TNHH Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 4.
Hai tàu sân bay trước đó của Trung Quốc (Liêu Ninh và Sơn Đông) không thể chở máy bay cảnh báo sớm cánh cố định KJ-600 vì không có thiết bị phóng điện từ. Tàu Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế và đóng hoàn toàn bởi công nghệ nội địa. Đây là tàu sân bay truyền thống lớn nhất trong lịch sử, theo nhà quan sát quân sự Nga Vasily Kashin.
Hôm 25/7, chỉ vài ngày sau đợt huấn luyện ở phía đông đảo Hải Nam, tàu sân bay Sơn Đông trở lại thành phố Tam Á. Cùng ngày, tàu tuần dương tên lửa dẫn hướng USS Antietam của Mỹ rời quân cảng Changi (Singapore), hướng ra Biển Đông, theo Strait Times.
Theo tiến độ xây dựng và vận hành của 2 tàu sân bay trước đó của Trung Quốc, từ lúc hạ thủy đến lúc hoàn thiện là 1 năm, từ lúc hoàn thiện đến lúc được phiên chế là 1 năm. Như vậy, tàu Phúc Kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2024 (có thể sớm hơn một chút là vào cuối năm 2023).
Theo giới quan sát phương Tây, việc tàu Phúc Kiến được đóng và hạ thủy ở tỉnh Phúc Kiến, đối diện eo biển Đài Loan, cho thấy Trung Quốc luôn răn đe và kiên định mục tiêu thống nhất hòn đảo này. Ngoài cảnh cáo Đài Loan, Trung Quốc có thể sử dụng tàu Phúc Kiến để dằn mặt Mỹ, thị uy với Nhật Bản, uy hiếp một số nước Đông Nam Á.
Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ ba ở Thượng Hải hôm 17/6 nhân dịp kỷ niệm 55 năm nước này thử vụ bom khinh khí đầu tiên. Ảnh: Xinhua
Cạnh tranh với Mỹ
Tạp chí Mỹ Foreign Policy mới đây đăng bài của ông Sam Roggeveen, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế của Viện Lowy (Úc). Theo đó, với tàu Phúc Kiến, Trung Quốc đã chuẩn bị để cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực lâu nay Mỹ mạnh nhất.
Sự thống trị quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á, được xây dựng dựa trên sức mạnh trên biển mà sức mạnh trên biển được xây dựng trên đội tàu sân bay. Giờ đây, Trung Quốc đang đưa ra một thách thức trực tiếp: bất cứ điều gì Mỹ có thể làm, Trung Quốc có thể làm lớn hơn và tốt hơn.
Nhưng không giống các tàu sân bay Mỹ, tàu Phúc Kiến không chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vì thế, tàu Phúc Kiến sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các tàu hỗ trợ để đạt được tầm xa và sức bền.
Đây là siêu tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, nhưng phải mất khoảng đôi năm nữa mới hoạt động, trong khi Mỹ đã có 11 siêu tàu sân bay. Vì vậy, tàu Phúc Kiến có thể không phải là thách thức trực tiếp đối với sức mạnh hải quân Mỹ.
Thay vào đó, đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nghĩ về một kỷ nguyên khi uy tín về sức mạnh của Mỹ ở châu Á ngày càng bị xói mòn và khi chính Trung Quốc có một bàn tay tự do hơn để đối phó với các nước nhỏ hơn.
Nói cách khác, Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội thời hậu Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể hy vọng thống trị hàng hải châu Á chỉ với tàu sân bay. Thái Bình Dương rất rộng lớn và ngay cả các nguồn lực của Trung Quốc cũng sẽ bị trải rộng. Trung Quốc sẽ cần các căn cứ nước ngoài để cải thiện khả năng giám sát khu vực và giảm thời gian vận chuyển cho máy bay và tàu chiến của họ.