Mỹ trừng phạt S-400 là "giơ cao đánh khẽ", Nga-Thổ bình chân như vại

Trương Mạnh Kiên |

Quyết định trừng phạt S-400 đầy bất ngờ của Mỹ chỉ là động thái mang tính biểu tượng. Nó hoàn toàn không gây tổn hại gì đến Thổ Nhĩ Kỳ.

S-400 “dính đòn” sau nhiều tháng trì hoãn

Chính quyền Donald Trump hôm 14/12 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả việc đồng minh NATO mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga vào năm ngoái.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ của Mỹ cho cơ quan công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), đặc biệt nhắm vào người đứng đầu cơ quan này là Ismail Demir, cùng với Phó Chủ tịch Faruk Yegit; người đứng đầu lực lượng phòng không Serhat Gencoglu và giám đốc chương trình phòng không khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Alper Deniz. Cả bốn người đều bị đóng băng tài sản và hạn chế thị thực.

“Mỹ đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ ở các cấp cao nhất và trong nhiều trường hợp rằng việc mua hệ thống S-400 sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của nhân viên và công nghệ quân sự Mỹ, cũng như cung cấp lợi thế đáng kể cho lĩnh vực quốc phòng của Nga”, Christopher Ford, quan chức bộ Ngoại giao Mỹ, nói với các phóng viên.

Mỹ trừng phạt S-400 là giơ cao đánh khẽ, Nga-Thổ bình chân như vại - Ảnh 1.

Chính quyền Trump buộc phải trừng phạt để làm vừa lòng Quốc hội Mỹ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án quyết định này là "hoàn toàn vô nghĩa", đồng thời cảnh báo Ankara sẽ "trả đũa theo cách thức và thời điểm phù hợp".

Kế hoạch trừng phạt của Mỹ lần đầu tiên được suy đoán bởi Reuters vào tuần trước. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm, buộc chính quyền trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 dựa trên Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017, trong đó yêu cầu các hình phạt kinh tế và hợp tác đối với các Chính phủ làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng đưa ra đồng thời với các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Thổ Nhĩ Kỳ đối với các hoạt động của nước này ở Đông Địa Trung Hải.

Các đại diện đã gặp nhau để thảo luận về các hình phạt được đề xuất trong hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu ở Brussels vào cuối tuần trước, với Pháp, Síp và Hy Lạp ủng hộ lập trường đối đầu với Ankara.

Chỉ mang tính biểu tượng?

Đánh giá về quyết định mới nhất của Mỹ, giới quan sát cho rằng các biện pháp trừng phạt lần này khó có thể có tác động lớn đến nền kinh tế vốn đã suy yếu của Ankara hoặc gây thiệt hại nhiều cho sự hợp tác của Mỹ với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, thực chất cũng đã suy giảm từ trước.

“Các biện pháp trừng phạt này chủ yếu là một động thái mang tính biểu tượng”, Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington nói với Al-Monitor.

“Chính quyền chỉ đang đưa ra một tuyên bố để sự tức giận của Quốc hội được trút bỏ. Những biện pháp này không tác động quá lớn đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nền tảng tương lai của mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ”.

Mỹ trừng phạt S-400 là giơ cao đánh khẽ, Nga-Thổ bình chân như vại - Ảnh 3.

S-400 trong một cuộc tập trận của Nga.

Các quan chức bộ Ngoại giao Mỹ đã phủ nhận thời điểm thực hiện lệnh trừng phạt có liên quan đến việc tiến hành dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2021 hoặc với các hình phạt đề xuất của EU, thay vào đó nói rằng chính quyền Trump đã cân nhắc trong vài tháng về lệnh trừng phạt đối với một đồng minh quan trọng.

“Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một đồng minh NATO không phải là điều mà chúng tôi xem nhẹ. Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ cho NATO”, Matthew Palmer, trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, nói với các phóng viên trong cuộc họp hôm 14/12.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn thử S-400 trên bờ Biển Đen vào tháng 10. Cũng trong tháng, các thành viên Thượng viện Mỹ đã gia hạn áp lực lên chính quyền Trump trong bối cảnh có tin Ankara đã thử nghiệm radar của S-400 trên các máy bay F-16 của Hy Lạp trong cuộc tập trận quân sự của đối thủ ở Đông Địa Trung Hải vào tháng 8.

Phản hồi của Nga

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, động thái của Washington là "một biểu hiện khác của thái độ ngạo mạn đối với luật pháp quốc tế" và là "biểu hiện của các biện pháp cưỡng chế bất hợp pháp, đơn phương" mà nước này đã sử dụng trong nhiều năm.

Thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết vào năm 2017. Quyết định sau đó vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Washington.

Mỹ cũng ngay lập tức loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35 tiên tiến với lý do lo ngại sự hiện diện của S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm lộ bí mật công nghệ. Ankara đã bác bỏ những lập luận này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại