Mỹ - Trung chọi nhau về COC

Lục San |

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khăng khăng rằng những quan ngại và quyền lợi của bên thứ 3 nên được đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Mỹ hôm 7-8 tái khẳng định lập trường về tình hình biển Đông giữa lúc Trung Quốc và các nước ASEAN đạt tiến bộ trong quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Bà Piper Campbell, đại biện lâm thời tại phái bộ Mỹ ở ASEAN, tuyên bố Washington luôn theo dõi các diễn biến trong tuyến đường biển này và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và hàng không.

"Điều cực kỳ quan trọng là không quốc gia nào gây sức ép lên nước khác trong các cuộc đàm phán về COC" - bà Campbell nhấn mạnh.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra ở Singapore cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khăng khăng rằng những quan ngại và quyền lợi của bên thứ 3 nên được đưa vào bất kỳ bản COC nào.

Đây được xem là phản ứng của Washington sau khi Bắc Kinh đề xuất bản dự thảo COC có nội dung ngăn các quốc gia ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, tham gia các cuộc tập trận và hoạt động thăm dò năng lượng chung ở biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Ngoài ra, theo Trung Quốc, COC nên có nội dung yêu cầu các nước không được tập trận chung với những quốc gia bên ngoài trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối. Một số nhà phân tích nhận định với tờ The Australian rằng Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng các cuộc thương thảo về COC để hạn chế sự hiện diện của hải quân Mỹ và Úc tại biển Đông.

"Nếu hải quân Mỹ hoặc hải quân Úc muốn tham gia những cuộc tập trận này, họ cần phải có sự đồng thuận từ Trung Quốc và ASEAN" - ông William Choong, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), giải thích. Dù vậy, ông Choong cho rằng một số nước ASEAN khó có thể chấp nhận đòi hỏi này trong bối cảnh Trung Quốc leo thang quân sự hóa biển Đông.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, ông Randall Schriver, hôm 7-8 cũng dự báo các đồng minh của Mỹ có thể mở rộng hiện diện hải quân ở biển Đông để đối phó những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, ông Schriver khẳng định các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải vẫn sẽ tiếp diễn và chắc chắn có thêm nhiều nước tham gia. Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai các cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông và lập luận rằng Mỹ không có quyền can thiệp vì không có chủ quyền lãnh thổ ở khu vực.

Đáp lại, ông Schriver cho biết giới chức Mỹ đang xem xét một loạt phương án để trừng phạt hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông.

Theo quan chức này, việc Lầu Năm Góc rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) mới đây là hành động mang tính biểu tượng, phát đi tín hiệu rằng Washington sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh và duy trì vị thế lãnh đạo ở Tây Thái Bình Dương.

Theo ông, hành động chống lại thói bắt nạt, quấy rối các nước láng giềng và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc khiến Mỹ và nhiều nước khác "sát cánh bên nhau".

Theo trang USNI News, ông Schriver nhận định việc không ngừng quân sự hóa biển Đông là khía cạnh gây bất an nhất của Trung Quốc. Chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cảnh báo nếu để Trung Quốc chiến thắng trong cuộc khủng hoảng này, các nước khác sẽ có bước đi tương tự.

"Chẳng bao lâu sau đó, người Nga sẽ tuyên bố chủ quyền đối với những dải đất rộng lớn ở Bắc Cực, còn người Iran đòi hỏi các đặc quyền hạn chế đi lại ở vịnh Ba Tư..." - ông cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại