Quan chức ngoại giao Mỹ đòi tấn công Syria như Nam Tư
Tiếp theo việc 51 quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kiến nghị chính quyền của Tổng thống Barak Obama can thiệp quân sự vào Syria, lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, các quan chức bộ này lại vừa hô hào tấn công Syria theo "kịch bản Nam Tư".
Tờ New York Times (NYT) của Mỹ ngày 23/6 đưa tin, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một lá thư cho lãnh đạo Bộ này, trong đó đề nghị tấn công vào lực lượng Chính phủ Syria theo "kịch bản Nam Tư" (tức cuộc không kích vào Nam Tư năm 1999).
"Chúng tôi thấy ý nghĩa ở việc đẩy mạnh hơn nữa vai trò quân sự của Mỹ trong vấn đề Syria trên cơ sở sử dụng hợp lý các loại vũ khí tầm xa, để đóng góp và thúc đẩy tiến trình ngoại giao tích cực dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ" - nội dung lá thư được tờ báo Mỹ trích dẫn.
Bình luận về lá thư này, tờ báo giải thích rằng, sự tham gia của Mỹ trong cuộc xung đột Syria hiện đang giới hạn bằng những đòn không kích vào vị trí dưới mặt đất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nhưng chủ yếu là trên chiến trường Iraq.
Ngoài ra, có những đơn vị nhỏ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang giúp người Kurd trong chiến dịch giải phóng thành phố Manbij thuộc tỉnh Aleppo hoặc trong các chiến dịch thuộc tỉnh al-Hasakah.
Với kiến nghị mới nhất này, mức độ can thiệp của Mỹ đã tăng lên tột bậc. Loại "vũ khí tầm xa" được đề cập ở đây là tên lửa hành trình AGM-109 Tomahawk, có thể phóng đi từ khoảng cách rất xa, vừa bảo toàn được lực lượng của quân đội Mỹ, vừa không cho phép quân đội chính phủ Syria kịp phản ứng.
Vị chuyên gia của tờ New York Times nhận xét rằng, đó là cách mà lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện ở Nam Tư cũ vào năm 1999, lật đổ chính quyền "cứng đầu", chống đối Mỹ của ông Slobodan Milošević.
Theo chuyên viên Max Fisher của báo NYT, bức thư này bộc lộ thực tế là hiện nay Mỹ không có giải pháp cần thiết để chấm dứt xung đột, bởi không có cơ sở pháp lý nào để thực hiện cuộc chiến chống lại Syria, cuộc chiến tranh mà Nga đã và đang ngăn chặn ở Liên Hiệp Quốc.
Năm 1999, máy bay B-52 của Mỹ mang tên lửa hành trình AGM-86 đã tấn công Nam Tư
Ông nhấn mạnh rằng,việc các quan chức ngoại giao, những người vốn dĩ phải giải quyết các sự vụ quốc tế bằng biện pháp hòa bình lại liên tiếp đưa ra các biện pháp quân sự để giải quyết công việc cho thấy thái độ thất vọng hoặc là bất lực hơn là cung cấp một phương án thay thế.
Trong một diễn biến có liên quan, hồi đầu tháng này Mỹ đã điều động 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52H năm xưa từng tấn công Nam Tư đến tập trận ở Baltic, trong khuôn khổ tập trận hải quân thường niên Baltops của các lực lượng vũ trang NATO.
Cuộc tập trận Baltops-2016 của lực lượng vũ trang NATO với sự tham gia của máy bay ném bom B-52 Mỹ được tổ chức từ ngày 03 đến ngày 19-6 ở vùng biển Baltic - giáp với vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất và cũng là nơi đặt trụ sở Hạm đội Baltic của Nga là Kanilingrad.
2 chiếc B-52H mang số hiệu 60-0037 và 60-0044 vào năm 1999 đã được triển khai tới căn cứ không quân Fairford của Anh, giống như bối cảnh tập trận vừa qua. Nhưng khi đó, chúng đã cất cánh thực hiện nhiệm vụ phóng tên lửa hành trình AGM-86 vào các mục tiêu ở Serbia và Chernogorya.
Do đó, tuyên bố mới nhất của các quan chức ngoại giao Mỹ thực sự làm người ta thấy lo ngại về một kịch bản Nam Tư rất có thể sẽ tái hiện ở Syria.
Vừa qua, không chỉ các quan chức quân sự mà các viên chức Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã đưa ra những kiến nghị lên Tổng thống Mỹ Barak Obama phải can thiệp quân sự lật đổ chính quyền Assad và lập vùng cấm bay ở Syria, trao cho Lầu Năm Góc quyền bắn hạ máy bay Nga.
Hồi tuần trước, truyền thông Mỹ đưa tin rằng, hơn 50 quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ nội bộ, hối thúc chính quyền Barack Obama bắt đầu hành động quân sự chống lại chính quyền Syria do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu.
Các quan chức ngoại giao nước này cho rằng, sự tồn tại của chính quyền Assad là vật cản đối với các hoạt động chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và biện pháp quân sự là cách duy nhất để tiêu diệt hoàn toàn IS, mang lại hòa bình cho Syria.
Bản ghi nhớ kêu gọi chính quyền Washington "sử dụng hợp lý các loại vũ khí" để ngăn chặn chính quyền Assad "vi phạm chế độ ngừng bắn" của Thỏa thuận Geneva.
Cũng vào thời điểm đó, một vị tướng không quân Mỹ cũng cho rằng, lực lượng này đã sẵn sàng cho khả năng lập "Vùng cấm bay" ở Syria và không loại trừ khả năng bắn rơi cả máy bay chiến đấu của Nga.
Phát biểu trước truyền thông nước này, tướng không quân Mỹ David Goldfin tuyên bố, không lực Hoa Kỳ sẵn sàng đảm trách thành lập vùng cấm bay ở Syria, nhưng để làm được điều đó, họ phải được trao quyền bắn rơi các phi cơ Nga bay trên bầu trời đất nước này.
Ông Goldfin lý giải rằng, thực tế là tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS không có máy bay chiến đấu, mà ở đây chỉ có máy bay Nga-Syria, như vậy có nghĩa là không quân Mỹ phải được Nhà Trắng trao quyền bắn hạ cả máy bay của Nga lẫn Syria.
Theo lời viên tướng không quân, việc thiết lập "Vùng cấm bay" còn phải có thêm hai điều kiện bổ sung nữa, nếu hội tụ đủ 3 điều kiện này thì không quân Mỹ mới có thể đảm bảo lập "Vùng cấm bay" ngay lập tức.
Liệu Mỹ có đổ quân tham chiến trực tiếp trên chiến trường Syria?
Hai điều kiện sau là lực lượng không quân Mỹ cần được Bộ Quốc phòng định hướng rõ ràng về các nhiệm vụ phải giải quyết trên không cũng như ở mặt đất, đồng thời Lầu Năm Góc cần phân định chính xác vùng cấm bay và khu vực tiến hành chiến dịch chống khủng bố.
Theo đánh giá của The New York Times, tuy chính quyền Washington chưa có những phát biểu chính thức về những kiến nghị này nhưng những phát biểu kể trên của giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ thể hiện sự thay đổi căn bản trong lối tiếp cận của Mỹ với các sự kiện ở Syria.
Tuy sự can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria là điều rất khó có thể được Tổng thống Barak Obama chấp thuận nhưng Mỹ sẽ có thể đưa ra các biện pháp hạn chế như tăng cường cung cấp vũ khí phòng không cho lực lượng phiến quân Syria lập "Vùng cấm bay" đối với máy bay của Nga và quân chính phủ.
Được biết, những tuyên bố và hành động biểu thị sự cứng rắn này của giới chức Ngoại giao và Quân sự Mỹ được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Kohn Kerry ngày 16/6 đã tuyên bố rằng, "giới hạn sự kiên nhẫn" của Mỹ bao gồm điều kiện bất biến là phải đưa Assad (Tổng thống Syria) phải bị đưa ra truy tố.
Các chuyên gia nhận định rằng, với những tuyên bố cứng rắn này, rất có thể Mỹ sẽ nâng mức độ can thiệp quân sự vào Syria nhằm đạt được mục đích lật đổ chính quyền Assad. Tình hình nước này sắp tới có thể xảy ra những biến động lớn và đầy phức tạp, khó lường.