Mỹ tính hoãn rút quân, Nga đề xuất giải pháp phá vỡ bế tắc ở Afghanistan

Đình Nam |

Bạo lực vẫn đang tiếp diễn ở Afghanistan trong khi các cuộc đàm phán nội bộ quốc gia nam Á này vẫn chưa đạt được tiến triển. Điều này khiến Mỹ phải tính tới khả năng hoãn rút quân, còn phía Nga cũng đề xuất đăng cai một hội nghị hòa bình ở Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét lại kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét lại kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận hòa bình hồi tháng 2/2020 giữa Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan từng được xem là cơ hội thoát ra khỏi vũng lầy chiến tranh lâu nhất của binh sĩ Mỹ sau 19 năm. Và thời hạn để binh sĩ cuối cùng của Mỹ tại Afghanistan về nước là ngày 1/5 tới.

Tuy nhiên, điều đó đang bị cản trở khi chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét lại kế hoạch rút quân.

Ngày 9/3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez đã nhận định rằng, Taliban rõ ràng không đáp ứng được những cam kết đưa ra trong thỏa thuận với Mỹ.

Đây được coi là lời kết luận sau khi giới chức Mỹ thời gian qua đã “phàn nàn quá nhiều” về tình trạng bạo lực tại Afghanistan không thuyên giảm, các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ giữa chính phủ Afghanistan và Taliban chưa có tiến triển.

Đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) của Mỹ cũng nghi ngờ Taliban vẫn còn giữ liên hệ với các nhóm khủng bố quốc tế và muốn tiếp tục sứ mệnh tại Afghanistan cho đến thời điểm mà tổ chức này cho là “phù hợp”.

Giới chuyên gia cho rằng, ý định hoãn rút quân của Mỹ và NATO có thể khiến lực lượng Taliban nổi giận và thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban có thể đổ vỡ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, còn quá sớm để nói về vấn đề này, đồng thời cho biết, các bên vẫn có thể đạt được tiến bộ. Hiện Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan – ông Zalmay Khalilzad đang có các chuyến thăm tới Afghanistan, Pakistan và Qatar để thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan.

Trong chuyến thăm tới Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad mới đây đã đề xuất thành lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước trước khi bầu cử theo bản hiến pháp mới. Tuy nhiên, cả Taliban và chính phủ Afghanistan đã từ chối đề xuất này.

Theo Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, mọi chính phủ được thành lập đều phải qua lá phiếu bầu của cử tri: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng và toàn diện dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi cũng có thể thảo luận về ngày bầu cử và đi đến bầu cử. Tuy nhiên, một chính phủ được viết trên giấy tờ trong quá khứ thì nó cũng có thể sẽ được viết trong tương lai. Chúng tôi muốn bảo vệ hiến pháp của chúng tôi.”

Ngày 9/3, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Afghanistan Deborah Lyons cũng đã tới Qatar để thảo luận về tình hình. Nhiều nguồn tin cho biết, dự kiến 2 vị đặc phái viên của Mỹ và Liên Hợp Quốc về Afghanistan sẽ gặp nhau tại đây và cuộc họp giữa 2 người sẽ quyết định tương lai của các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan ở Doha.

Giữa lúc tiến trình hòa bình Afghanistan bế tắc, Bộ Ngoại Nga cũng đã lên tiếng đề xuất tổ chức một hội nghị giữa các bên liên quan Afghanistan tại thủ đô Moscow vào ngày 18/3 tới.

Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Nga và Mỹ đã nhiều lần thảo luận về 1 cuộc họp về Afghanistan, tuy nhiên, một cuộc họp như vậy chưa được xác nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại