Mỹ vừa soạn thảo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) để đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất (vụ thử hạt nhân lần thứ 6) của CHDCND Triều Tiên. Reuters cho biết Đại sứ Mỹ sẽ thúc đẩy HĐBA bỏ phiếu dự thảo trừng phạt mới vào ngày 11/9 nhưng động thái có thể bị một số nươc ủy viên trong hội đồng phản đối.
Dự thảo kêu gọi cấm cung cấp hàng loạt sản phẩm dầu khí sang Triều Tiên cũng như mua các sản phẩm dệt may xuất khẩu của nước này. Biện pháp cũng kêu gọi đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và cấm ông ra nước ngoài.
Động thái mới nhất nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được đưa ra sau vụ thử hạt nhất mới nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân đang tiến triển như vũ bão của nước này. Nước này tuyên bố đã sản xuất được bom nhiệt hạch (bom H) đủ nhỏ để gắn lên đầu đạn tầm xa, và hồi tháng 8, đã phóng một quả tên lửa vượt qua lãnh thổ Nhật Bản.
Hiện chưa rõ những đề xuất mới nhất của Mỹ có nhận được sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc, 2 hà cung cấp dầu lửa chính cho Bình Nhưỡng, hay không. Cả 2 nước có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ đều bày tỏ hoài nghi đối với việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Các biện pháp khác trong dự thảo nghị quyết trừng phạt của Mỹ cũng sẽ cấm tuyển lao động Triều Tiên ở nước ngoài bởi kiều hối và tiền từ xuất khẩu dệt may được cho là 2 trong số nguồn thu nhập quan trọng nhất của Triều Tiên.
Tại cuộc họp HĐBA LHQ hồi đầu tuần này, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nhận định, 20 năm thắt chặt các lệnh trừng phạt “từng chút một” đã không ngăn chặn được chương trình vũ khí của Triều Tiên. Bà cho rằng, “như vậy là đã quá đủ” và giờ là lúc các nước cần phải “thông qua các biện pháp mạnh nhất có thể” với Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tranh luận rằng lượng dầu mà nước này xuất khẩu sang Triều Tiên (rơi vào khoảng 40.000 tấn) là không đáng kể. Chia sẻ với báo chí mới đây, ông cũng cho rằng việc tăng cường các lệnh trừng phạt không phải là câu trả lời cho vấn đề Triều Tiên. “Không đáng để đầu hàng cảm xúc và đẩy Triều Tiên vào chân tường”, ông Putin nói.