Phản ứng dữ dội từ người dân
Theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra thông báo đã hoàn thiện lắp đặt Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD). Đây là nước đi trả đũa vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất từ Triều Tiên.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Lực lượng Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc (USFK) vận chuyển 4 bệ phóng THAAD tới căn cứ mới ở Seongju, cách thủ đô Seoul 300km về phía nam.
Các bệ phóng THAAD mới xuất hiện tại sân golf ở Seongju ngày 7/9 (Ảnh: AP)
RT dẫn nguồn tin địa phương, cho biết khoảng 8.000 cảnh sát đã được điều động để bảo vệ hoạt động vận chuyển bệ phóng, bao gồm mở đường, canh phòng an ninh và các hoạt động liên quan khác.
Tuy nhiên, người dân địa phương và các nhà hoạt động xã hội đã quyết liệt phản đối cuộc lắp đặt, yêu cầu chính phủ nên lắng nghe ý kiến của người dân trước khi đưa ra quyết định.
Họ e ngại rằng sóng radar từ các thiết bị dò tìm tên lửa sẽ gây vấn đề sức khỏe và môi trường nghiêm trọng.
Không chỉ có vậy, lắp đặt THAAD còn gián tiếp biến khu vực này trở thành mục tiêu hàng đầu của tên lửa Triều Tiên.
Cuộc biểu tình của hơn 400 người dân địa phương. (Ảnh: AP)
Gần 400 người đã tập trung trước tòa nhà điều hành để biểu tình.
Một số người phản đối đã tự buộc xích quanh cổ và trói mình vào các xe tải đặt giữa đường vận chuyển, ngăn không cho xe chuyên chở đi qua.
Nhiều người khác cuốn dây thừng quanh mình và nối với nhau tạo thành hàng lại để lực lượng an ninh không tách họ ra được.
Vụ xô xát khiến nhiều dân thường và cảnh sát bị thương. Tất cả đều đã được đem tới bệnh viện.
Bốn người dân tìm cách trèo vào khu lắp đặt THAAD cũng bị cảnh sát bắt giữ, đưa tới đồn Kimcheon để phục vụ điều tra.
Trả lời Yonhap, một người dân nói: "Chính quyền hiện tại, cũng giống như thời bà Park Geun-Hye, đang có chính sách sai lầm. Chúng tôi sẽ không chấp nhận THAAD dưới bất kì điều kiện nào."
Quyết định của chính phủ Hàn Quốc
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, triển khai thêm 4 bệ phóng THAAD là hành động thiết yếu để bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân.
(Ảnh: AP)
Sau khi 4 bệ phóng được chuyển tới khu vực Seongju, nơi đã có sẵn 2 bệ, tổ hợp THAAD sẽ chính thức có thể đưa vào sử dụng. Được biết, tổ hợp THAAD cần ít nhất 6 bệ phóng để hoạt động hiệu quả.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, ông Moon Sang-gyun cho biết việc có lắp đặt THAAD lâu dài hay không còn phụ thuộc vào cuộc đánh giá tác hại môi trường "kĩ lưỡng và khách quan" được tổ chức tới đây.
Trung Quốc và Nga cũng lên tiếng phản đối hệ thống THAAD. Hai nước lo ngại việc triển khai này khiến Mỹ càng có nhiều ảnh hưởng tại bán đảo.
Trả lời RT, ông Michael Patrick Flanagan, một luật sư và cựu nghị sĩ ở Hạ viện Mỹ, cho biết khó có thể "đổ lỗi" cho người dân địa phương vì nói lên mối quan ngại của mình và hệ thống phòng thủ tên lửa "phải có nơi để lắp đặt".