Theo Reuters, sự xuất hiện của hai tàu chiến Mỹ gần bãi Vành Khăn diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vẫn đang vướng vào cuộc chiến thương mại. Theo đó, hai bên đang cố gắng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót là ngày 1/3. Đây là thời điểm Mỹ sẽ tăng áp mức thuế từ 10% lên thành 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến hai quốc gia này thiệt hại tới hàng ngàn tỷ USD và ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu.
Còn theo một quan chức Mỹ giấu tên, vào hôm nay, hai tàu khu trục Mỹ đã tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do đi lại ở Biển Đông khi lại gần bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Đây là lần thứ hai Mỹ có hành động thách thức việc Trung Quốc có những nỗ lực ngăn chặn hoạt động đi lại tự do ở vùng biển chiến lược trong năm nay. Hồi đầu tháng Một, tàu khu trục USS McCampbell của hải quân Mỹ cũng đã lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Về phần mình, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Bắc Kinh cũng thường xuyên lên tiếng chỉ trích và có hành động ngăn cản tàu chiến Mỹ cùng các đồng minh hoạt động gần những hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trái phép.
Trong khi đó, Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định Trung Quốc cố tình quân sự hóa Biển Đông thông qua chương trình cải tạo và xây dựng trái phép đảo nhân tạo và sau đó đưa vũ khí cũng như binh sĩ ra đây đóng quân.
Trung Quốc lại cho rằng, hoạt động xây dựng của nước này ở Biển Đông chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Thậm chí, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cố tình làm gia tăng thêm căng thẳng ở Biển Đông khi điều động tàu thuyền và máy bay quân sự tới các hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Về phía Việt Nam, Hà Nội luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.