Theo dữ liệu do tổ chức này thu thập được, phần lớn các chuyến bay do máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon thực hiện. P-8A Poseidon là máy bay Boeing 737 được cải biên để theo dõi và tiêu diệt các tàu nổi và tàu ngầm. Máy bay này tiến hành các chuyến bay trinh sát trên Biển Đông gần như thường nhật.
Các máy bay khác cũng được triển khai, bao gồm máy bay trinh sát điện tử EP-3E Aries II, máy bay trinh sát RC-135W Rivet Joint, máy bay RC-135U Combat Sent; máy bay phản lực trang bị hệ thống Radar giám sát mục tiêu tấn công liên hoàn (JSTARS) E-8C được sử dụng để giám sát mặt đất, quản lý chiến đấu và chỉ huy, kiểm soát; máy bay do thám không người lái MQ-4C Triton và máy bay tuần tra hàng hải P-3C Orion.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tiếp tục thuê các nhà thầu quốc phòng thực hiện nhiệm vụ giám sát trên Biển Đông. Cũng theo SCSPI một máy bay thương mại CL-604 Bombardier Challenger, được cải tiến để hoạt động như một phiên bản đơn giản hoá của Poseidon cũng xuất hiện tại khu vực này vào ngày 25/2.
SCSPI lưu ý, riêng trong ngày 8/2, gần như tất cả các máy bay cùng vận hành khi họ ghi nhận có tới 6 máy bay do thám trên Biển Đông. Sự kiện này diễn ra một ngày trước khi Mỹ tổ chức cuộc tập trận với sự tham gia của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz.
Như vậy, SCSPI đã ghi nhận 75 chuyến bay giám sát của Mỹ trên Biển Đông vào tháng 2, tăng 5 chuyến so với tháng 1. Tổ chức này cho biết, những thông tin họ ghi nhận được căn cứ vào dữ liệu thu được từ hệ thống giám sát không lưu ADS-B.
Mỹ đã tăng cường các hoạt động hàng hải trên Biển Đông trong những năm gần đây nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực này./.