Lực lượng này đã trao một hợp đồng trị giá 11 triệu USD cho liên doanh giữa nhà thầu quân sự Rheinmetall Defence của Đức và nhà sản xuất quốc phòng Unified Business Technologies (UBT) của Mỹ để thử nghiệm hệ thống StrikeShield.
Thời gian dự kiến của chương trình này là trong tháng 10-2020 tại Trung tâm thử nghiệm Redstone ở thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ.
Văn phòng Các hệ thống bảo vệ trên phương tiện (VPS) thuộc Lục quân Mỹ sẽ phụ trách công tác tổng hợp kết quả thử nghiệm khả năng của hệ thống StrikeShield đối với một loạt các mối đe dọa đối với xe bọc thép.
Mục tiêu của Lục quân Mỹ là tìm ra công nghệ APS phù hợp nhất để tích hợp trên các phương tiện quân sự của Mỹ, trong đó có các dòng xe bọc thép đa chức năng (AMPV), xe tăng hạng nhẹ mới (MPF) và xe chiến đấu bộ binh không người lái (OMFV).
Có những tính năng kỹ chiến thuật tương tự như Trophy và Iron Fist của Israel, Arena của Nga, GL5 của Trung Quốc, và AMAP-ADS của Đức, hệ thống StrikeShield được thiết kế để đánh chặn các đầu đạn chống tăng hiệu ứng nổ lõm có tốc độ không cao và khoảng cách gần, chủ yếu là đạn RPG.
Hệ thống bao gồm các cảm biến quét 360 độ xung quanh xe để phát hiện các mối đe dọa. Chúng sẽ truyền thông số mục tiêu (khi tên lửa/rocket phóng về phía xe) cho máy tính điều khiển được bố trí bên trong buồng lái.
Lục quân Mỹ chọn hệ thống Trophy để lắp thử nghiệm trên xe tăng M1A2 Abrams. Ảnh: Pinterest.
Sau đó, máy tính sẽ thiết lập quỹ đạo bay và góc độ mà đạn sẽ tiếp cận xe, tính toán thời gian để phóng đạn đối kháng, rồi kích hoạt vũ khí đánh chặn (đạn động năng Kinetic Energy – KE) ở vị trí phù hợp nhằm vô hiệu hóa vũ khí đối phương.
Đạn KE là loại đầu đạn tận dụng vận tốc lớn để giải phóng năng lượng rất lớn khi tiếp cận mục tiêu hơn là những chất nổ hóa học thông thường.
Trước đó, Lục quân Mỹ đã nhận lô thiết bị đầu tiên của hệ thống APS Trophy được liên doanh Leonardo DRS và Rafael Advanced Defense Systems Ltd chuyển giao để lắp đặt trên các đơn vị xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams.