Các giải pháp này bao gồm tăng cường sử dụng vũ khí mạng nhằm can thiệp vào hệ thống điều khiển của Triều Tiên trước khi tên lửa của họ được phóng đi cũng như sử dụng máy bay không người lái và chiến đấu cơ bắn hạ tên lửa ngay khi rời bệ phóng.
Trong trường hợp các biện pháp trên đều thất bại, hệ thống phòng chống tên lửa ở bờ Tây nước Mỹ sẽ được kích hoạt.
Theo New York Times, những hướng tiếp cận mới nêu trên đã được trình bày trong yêu cầu khẩn trình lên Quốc hội vào tháng rồi nhằm kêu gọi phê duyệt 4 tỉ USD để đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên.
Trong nhiều năm, giải pháp đánh chặn tên lửa duy nhất nhằm vào lục địa Mỹ là hệ thống phòng chống tên lửa mặt đất ở Alaska và California. Hệ thống này được triển khai nhằm ngăn chặn mọi tên lửa tầm cao nhắm vào Mỹ. Tính hiệu quả của hướng giải quyết này, được gọi là "dùng đạn triệt hạ đạn", vẫn còn bị nghi ngờ dù đã "ngốn" hơn 100 tỉ USD.
Trong khi đó, hệ thống chống tên lửa trên các con tàu ngoài khơi Hàn Quốc và ở Hàn Quốc được triển khai nhằm ngăn chặn tên lửa tầm trung, không phải những tên lửa nhắm vào các thành phố Mỹ.
Do đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến chi hàng trăm triệu USD vào 2 hướng tiếp cận mới nêu trên – vốn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Tổng thống Donald Trump từng ca ngợi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại, khẳng định vào tháng rồi rằng tỉ lệ bắn hạ tên lửa thành công của nó ngay trên không trung là 97%. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định con số này không chính xác.
Trong quá trình thử nghiệm, được tiến hành dưới điều kiện lý tưởng, tỉ lệ thành công của hệ thống chống tên lửa ở Alaska và California chỉ là 50%.
Ảnh chụp một vụ thử nghiệm chống tên lửa tầm xa ở Căn cứ Không quân Vandenberg, California - Mỹ. Ảnh: Reuters
Lầu Năm Góc từng cảnh báo giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng Triều Tiên sẽ sớm phát triển thành công tên lửa tầm xa có khả năng tấn công Mỹ, khiến tình hình thêm phức tạp.
Đó là lí do vì sao Washington đang ráo riết tìm kiếm các giải pháp bổ trợ. "Họ đang tìm kiếm mọi cách có thể. Bạn sẽ thấy nhiều giải pháp mới hơn trên bàn" – ông Thomas Karako, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, tiết lộ.