Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật chi tiêu quốc phòng được cho là cứng rắn nhất đối với Trung Quốc từ trước đến nay.
Luật chi tiêu quốc phòng cung cấp 716 tỷ USD cho năm tài khóa sắp tới, nhằm đối chọi lại với một loạt chính sách quốc phòng của Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Một tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 4 năm nay. Nguồn: Wall Street Journal.
Thượng viện hôm 1/8 đã thông qua dự luật với tỷ lệ ủng hộ 87/10 phiếu sau khi Hạ viện đã thông qua vào tuần trước. Đạo luật sẽ được Tổng thống Trump ký ban hành thành luật.
Luật Ủy quyền quốc phòng phản ánh sự nhất trí trong Quốc hội Mỹ và các quan chức an ninh quốc gia rằng, Mỹ phải hành động nhiều hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.
Trong tài liệu tóm tắt của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng, Washington xác định, thách thức chính với sự thịnh vượng và an ninh là sự trỗi dậy trở lại của cạnh tranh chiến lược dài hạn. "Trung Quốc đang tập trung hiện đại hóa quân đội, tăng cường ảnh hưởng và sử dụng sức mạnh kinh tế để ép buộc các nước láng giềng sắp xếp lại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương phục vụ cho lợi thế của họ", Dự luật của Mỹ viết.
Đạo luật cũng yêu cầu có báo cáo hàng năm về Trung Quốc, bao gồm các thông tin về nỗ lực ảnh hưởng lên truyền thông, văn hóa, kinh tế Mỹ của Bắc Kinh, trong đó có việc hạn chế ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho các chương trình tiếng Trung ở trường đại học.
Các Viện Khổng Tử của Trung Quốc trước đó đã bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội chỉ trích vì hoạt động tuyên truyền.
Ngoài việc đưa ra các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh, đạo luật này bao gồm cả điều khoản tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ và Đài Loan, và cấm Trung Quốc tham dự cuộc tập trận trên biển đa quốc gia RIMPAC cho đến khi nước này ngừng quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
"Đây là tín hiệu cho các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khu vực, đặc biệt là Úc, Nhật và Đài Loan, rằng, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là không thể chấp nhận được", Rachael Burton, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Project 2049 tại Virginia cho hay.