Mỹ tự tin sẽ "đè bẹp" TQ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương: Họ có tiền, nhưng chúng tôi có uy tín

Minh Khôi |

Khoản tiền 113 triệu USD của Mỹ dành cho sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương rất nhỏ bé nếu so với 162 tỷ USD mà Trung Quốc cam kết đổ vào sáng kiến Vành đai - Con đường.

Mặc dù không nhắc trực tiếp tới Bắc Kinh như một đối thủ ở khu vực, Ngoại trưởng Mỹ vẫn tìm cách xây dựng hình ảnh của các công ty Mỹ là những đối tác tốt hơn, đáng tin cậy hơn cho những nước tìm kiếm đầu tư nước ngoài.

"Với các công ty Mỹ, công dân trên toàn thế giới biết rằng những gì bạn nhận được là hợp đồng trung thực, các điều khoản trung thực", ông Pompeo nhấn mạnh cụm từ đầy ngụ ý.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở lần đầu tiên tại Hội nghị APEC 2017 hồi tháng 11 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Một tháng sau, Washington hé lộ chiến lược an ninh quốc gia kêu gọi các chính sách đáp trả nỗ lực xây dựng hạ tầng của cường quốc đối thủ.

Một trong đối tượng mà Mỹ nhắm đến là sáng kiến Vành đai - Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một kế hoạch xây dựng và mở rộng đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, đường ống dẫn dầu và nhà máy năng lượng toàn cầu được dự báo có thể tăng trưởng khoảng 1,3 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.

Sáng kiến Vành đai - Con đường của Bắc Kinh kêu gọi đầu tư nửa tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dọc theo các tuyến thương mại đến Trung Quốc, nhưng vấp phải chỉ trích vì cũng đồng thời trở thành "bẫy nợ" cho các quốc gia khác.

Mỹ tự tin sẽ đè bẹp TQ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương: Họ có tiền, nhưng chúng tôi có uy tín - Ảnh 1.

Lễ động thổ dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc - Thái Lan trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường. Ảnh: Reuters

Hợp tác cơ sở hạ tầng của Mỹ với Nhật Bản và Australia phù hợp với chính sách an ninh quốc gia đang phát triển của chính quyền Tổng thống Trump, đã đưa Mỹ vào cuộc "cạnh tranh chiến lược dài hạn" với Trung Quốc và Nga.

Theo ông Stephen Kirchner, giám đốc chương trình thương mại và đầu tư tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney, ông Pompeo có thể sẽ đưa ra thông báo về thỏa thuận tài trợ của hiệp ước trong chuyến thăm châu Á, bao gồm Malaysia, Singapore và Indonesia.

Mặc dù khoản đầu tư 113 triệu USD quá nhỏ so với nửa tỷ USD mà Bắc Kinh đã đổ vào việc xây dựng lại các cảng, đường bộ và đường sắt, lại càng nhỏ bé nếu so với 162 tỷ USD mà Trung Quốc hứa dành cho 68 quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường, song các chuyên gia cho rằng, động thái này báo hiệu sự khởi đầu của một chiến lược kinh tế để đối trọng với sự ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực.

Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng, sáng kiến ​​của Ngoại trưởng Mỹ là một tầm nhìn tích cực có thể khẳng định ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và giảm bớt sự hoài nghi về khả năng duy trì các cam kết của Washington với các nước.

Theo bà, sáng kiến này của Mỹ có thể không cạnh tranh được với Trung Quốc ở quy mô đầu tư ở khu vực nhưng có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh từ chất lượng đầu tư, lao động có tay nghề cao và bảo vệ môi trường. Và do đó, hoàn toàn khác với cách Trung Quốc đầu tư vào khu vực, bà Glaser nói thêm.

"Đây chỉ là một sự khởi đầu", nhà phân tích chính trị Josh Rogin đã viết trong tờ Washington Post. Ông lưu ý rằng động thái của Mỹ có nghĩa là để cho thấy các nước trong khu vực rằng họ có một giải pháp thay thế cho "bẫy nợ" mà Trung Quốc đưa ra.

Ông Rojin nói thêm rằng, nội dung cơ bản mà Ngoại trưởng Mỹ muốn nhấn mạnh là đầu tư tư nhân của Mỹ đáng tin cậy hơn và có thể củng cố trật tự ở châu Á mà Bắc Kinh đang tìm cách thay thế.

Mỹ "sẽ không bao giờ tìm cách thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Pompeo nhấn mạnh, "và sẽ phản đối bất cứ nước nào làm như vậy". 

Ông David Bohigian, phó chủ tịch của Tập đoàn Đầu tư tư nhân của Mỹ ở nước ngoài (OPIC), cơ quan Mỹ tham gia vào hiệp ước ba bên, nói rằng tầm nhìn kinh tế mới được ông Pompeo vạch ra có thể trở thành "kế hoạch Marshall" 70 năm trước, sáng kiến ​​kinh tế để xây dựng lại Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Mỹ.

Sau khi Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sáng kiến trị giá 113 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, năng lượng vào khu vực, Nhật và Australia cũng tuyên bố nhất trí đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để giải quyết các thách thức phát triển, tăng cường kết nối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong động thái được xem là nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai - Con đường và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Gói đầu tư này sẽ bao gồm các lĩnh vực năng lượng, giao thông, du lịch, hạ tầng công nghệ.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Bắc Kinh đánh giá tích cực động thái này và sẵn sàng làm việc với các quốc gia liên quan, trong đó có Mỹ để tăng cường tăng trưởng kinh tế, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

"Chúng tôi hoan nghênh nếu Mỹ và bất kỳ quốc gia nào có ý định tăng cường đầu tư hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại