Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga không có ý định can thiệp vào chuyện Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ làm gì để giải quyết mối bất hòa giữa họ liên quan tới thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đất đối không S-400 của Nga.
Tại một buổi họp báo hôm 4-6, Thư ký báo chí Điện Kemlin Peskov nói rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ không phải báo cho Nga biết về việc thành lập một nhóm làm việc chung (với Mỹ), đây không phải là chuyện của chúng tôi. Công việc của chúng tôi và công việc của các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi là hoàn tất thỏa thuận S-400”.
Theo ông Peskov, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thảo luận kế hoạch của mình với bất kỳ bên thứ ba nào.
Mỹ nhiều lần gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ S-400. Washington đã ngừng bàn giao tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí sẵn sàng khai trừ đồng minh NATO khỏi dự án phát triển F-35.
Nhà Trắng cũng cố thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, hôm 4-6, ông Erdogan nhấn mạnh các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ không đáp ứng được những tiêu chuẩn như S-400, do đó Ankara sẽ không từ bỏ thương vụ mua tên lửa của Nga bất chấp sức ép từ Mỹ.
“Đã có thỏa thuận và chúng tôi cam kết thực hiện. Không có chuyện buộc chúng tôi phải lùi bước”, hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước báo giới hôm 4-6.
Cũng theo Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm việc với Mỹ về thương vụ mua S-400 của Nga và đề nghị Nhà Trắng cung cấp một thỏa thuận mua bán vũ khí tốt hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Washington đã không làm vậy.
“Thật đáng tiếc là Mỹ đã không thể đưa ra một đề nghị tốt hơn S-400 cho chúng tôi”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tiếp nhận tổ hợp S-400 đầu tiên từ Nga trong tháng này bất chấp sức ép ngày càng lớn từ Mỹ, theo RT.
Ông Trump, ông Erdogan đồng ý lập nhóm làm việc chung về S-400
Theo hãng tin Bloomberg dẫn lời các quan chức thạo tin của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí thành lập một nhóm công tác chuyên môn về hệ thống S-400.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Trump ngày 29-5, ông Erdogan nhắc lại mong muốn của ông cùng nhau kiểm tra bất kỳ rủi ro nào mà S-400 có thể đặt ra cho tiêm kích thế hệ mới F-35, và ông Trump đã đồng ý, theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước lễ khai mạc một hội nghị NATO hồi năm ngoái. Ảnh: REUTERS
Hiện chưa rõ bước tiếp theo về thành lập nhóm nghiên cứu chung này sẽ là gì và khi nào sẽ thành lập.
Thỏa thuận này báo hiệu sự tiến bộ nhưng gần như không mang tính tượng trưng cho một bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ . Hai đồng minh NATO vẫn bất đồng về nhiều vấn đề quan trọng.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không rút lại kế hoạch mua S-400 thì Mỹ nhìn nhận bất kỳ hoạt động nghiên cứu chung nào giữa hai nước đều nhằm giải thích cho Thổ Nhĩ Kỳ tại sao hệ thống vũ khí hiện đại của Nga và của Mỹ lại không tương thích và rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải chọn hệ thống khác.
Khi được hỏi về việc lập ra một nhóm công tác chuyên môn chung, Garrett Marquis, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho hay: “Chúng tôi không có thông tin gì mới để thông báo vào lúc này” vì “chúng tôi tiếp tục thảo luận với phía Thổ Nhĩ Kỳ ở mọi cấp độ”.
“Chúng tôi nói rõ rằng việc sở hữu S-400 sẽ tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với công nghệ Mỹ, phi công của chúng tôi và cả máy bay của chúng tôi. Mỹ đã cử một nhóm kỹ thuật tới Thổ Nhĩ Kỳ hơn một lần và gặp những người đồng cấp ở đó để thảo luận về mối đe dọa mà S-400 đặt ra”, ông Garrett Marquis nói.