Mỹ "tháo chạy", cơ hội để Nga biến S-400 thành "vũ khí tối thượng"?

Trương Mạnh Kiên |

Chỉ sau 2 năm đưa Patriot đến Saudi Arabia, Mỹ đã quyết định rút hệ thống này trở về. Đồng minh của Mỹ một lần nữa sẽ nhờ cậy đến S-400 của Nga?

Mỹ tháo chạy, cơ hội để Nga biến S-400 thành vũ khí tối thượng? - Ảnh 1.

Mỹ rút Patriot ở Saudi Arabia sau 2 năm.

Patriot rời Trung Đông

Tờ TRT World đưa tin, Washington sẽ rút một số khí tài quân sự quan trọng bao gồm các hệ thống tên lửa Patriot khỏi Trung Đông, đặc biệt là ở Saudi Arabia. Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, Mỹ cũng sẽ cắt giảm quân số đáng kể ở các nước như Iraq.

Thông báo rút vũ khí - bao gồm cả ở Kuwait, Iraq và Jordan - đã tạo ra tranh luận về việc Washington rời bỏ Riyadh dường như là để xoa dịu căng thẳng với Iran. Hiện tại, Mỹ và Iran đang nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Donald Trump đã rút khỏi vào năm 2018.

Iran cùng với Saudi Arabia là hai đối thủ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị trải dài trên khắp khu vực, từ Yemen đến Lebanon, Iraq và Syria. Năm 2019, sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bất ngờ của phiến quân Houthi ở Yemen vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi, chính quyền Trump đã triển khai các hệ thống tên lửa đến hỗ trợ phòng không nước này. Trong chiến tranh Yemen, Iran ủng hộ Houthi chống lại liên minh do Saudi dẫn đầu.

Edward Erickson, chuyên gia nghiên cứu chiến tranh từ trường Đại học Thủy quân lục chiến Mỹ, cho rằng việc Washington rút vũ khí nhằm gửi một thông điệp chính trị tích cực tới Iran, hướng tới giảm căng thẳng giữa hai nước, mở đường cho việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Ông nhấn mạnh rằng việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa năm 2019 "không bao gồm mục tiêu trở thành một sự hiện diện quân sự lâu dài" ở Saudi Arabia. Thay vào đó, Washington muốn trấn an các đồng minh rằng “họ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Mỹ” trong khi cảnh báo Iran về việc ủng hộ lực lượng Houthi.

Chuyên gia Erickson cũng chỉ ra đặc tính của Patriot và THAAD, các hệ thống tên lửa của Mỹ hiện diện ở vùng Vịnh, không hữu ích khi chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình tầm thấp. Houthi thường sử dụng máy bay không người lái để nhắm mục tiêu vào các tài sản của Saudi và các hệ thống tên lửa của Mỹ thường tỏ ra vô dụng.

“Sự triển khai của Mỹ vào năm 2019 là một màn phô trương lực lượng hơn là một cuộc triển khai thực tế được thiết kế để bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi”, chuyên gia này nêu quan điểm.

S-400 thế chỗ?

Mỹ tháo chạy, cơ hội để Nga biến S-400 thành vũ khí tối thượng? - Ảnh 3.

Mỹ giảm bớt dấu chân ở Trung Đông để phân bổ thêm những nơi khác.

“Việc Mỹ rút quân không có nghĩa là Saudi sẽ thay thế tên lửa của Mỹ bằng S-400 của Nga . Người Saudi phụ thuộc vào vũ khí do Mỹ sản xuất nên không thể để mối liên hệ này bị cắt đứt bởi các lệnh trừng phạt và cấm vận”, Erickson nói, đồng thời chỉ ra những lựa chọn chính trị và quân sự hạn chế của Riyadh đối với Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Mỹ rút vũ khí khỏi khu vực cũng sẽ không khiến Iran và đồng minh hành động theo hướng mạnh bạo hơn đối với Riyadh.

“Tôi không nghĩ Iran có sự đe dọa nghiêm trọng với Saudi bằng tên lửa đạn đạo, vì vậy việc loại bỏ Patriot và THAAD không làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực theo bất kỳ cách nào”, chuyên gia Erickson đánh giá.

Ngoài ra, việc Mỹ rút vũ khí cũng không dẫn đến kịch bản rút lui hoàn toàn khỏi Trung Đông.

“Chúng tôi vẫn duy trì lực lượng hàng chục nghìn người trong khu vực, hiện diện ở Iraq và Syria, những lực lượng đó không rời đi. Chúng tôi vẫn có các căn cứ tại các nước đối tác vùng Vịnh, vẫn có sự hiện diện đáng kể và vị thế lớn trong khu vực”, một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết.

Việc quân đội Mỹ rút khỏi Trung Đông cũng phù hợp với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu thay vì chỉ gắn kết ở Trung Đông. Đây là một sự tái định hướng quan điểm chính trị của Washington chống lại Nga và Trung Quốc, theo các nhà phân tích.

“Mỹ đang cố gắng tập trung vào các mục tiêu chiến lược của mình, đáp ứng thách thức đến từ Trung Quốc. Và để làm được điều đó, họ đang cố gắng giảm bớt dấu chân ở những nơi khác trên thế giới”, Sami al Ariana, Giám đốc Trung tâm Hồi giáo và Vấn đề Toàn cầu, Đại học Sabahattin Zaim cho biết.

“Các hệ thống Patriot và THAAD có số lượng hạn chế và Mỹ cần chúng ở Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc và Triều Tiên”, Erickson nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại