Mỹ tạo nên cuộc cách mạng với vũ khí cực lạ

Mỹ Đức |

Theo DARPA, Mỹ đang thực hiện chương trình phát triển tên lửa siêu độc mang đầu đạn chùm là những UAV cảm tử.

Cơ quan Các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) cho biết, việc trang bị các UAV liều chết lên tên lửa sẽ giúp tiêu diệt chính xác nhiều mục tiêu cùng lúc. UAV tấn công có thiết kế với 4 cánh quạt nhỏ đặt đối xứng với nhau.

Dù nguyên lý hoạt động của loại UAV này chưa được tiết lộ nhưng theo DARPA, các UAV cảm tử này sẽ được kích hoạt sau khi được tên lửa đưa tới độ cao quy định. Chúng sẽ tự xác định mục tiêu và kích hoạt khối nổ định hướng mang theo. Mục tiêu sẽ bị tấn công đồng loạt từ trên không nên khả năng phòng chống là rất hạn chế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, UAV do Lục quân Mỹ phát triển phù hợp với nhiệm vụ tiêu diệt các phương tiện thiết giáp của đối phương hoặc các khu vực kho tàng, bãi tập kết trang bị. Ngoài phiên bản mang đầu đạn tấn công, UAV trang bị trên tên lửa cũng có phiên bản trinh sát để thực hiện nhiệm vụ trinh sát chiến trường hoặc các khu vực đối phương bảo vệ không thể tiếp cận.

Trước khi tuyên bố phát triển chương trình vũ khí UAV siêu độc này, Mỹ vừa đưa vào trang bị loại UAV cảm tử mini mang tên Switchblade.

Ưu điểm chính của Switchblade là khả năng hạn chế thương vong của thường dân. Người điều khiển có thể hủy lệnh tấn công, chuyển sang mục tiêu khác hoặc chọn phương án công kích an toàn, hạn chế thương vong của những thành phần không tham chiến.

Vì tiềm năng rất lớn của loại vũ khí mới này, Quân đội Mỹ tiếp tục quan tâm đến các phương án Vũ khí sát thương đường không cỡ nhỏ (LMAMS) khác ngoài Switchblade. Derek Lyon, giám đốc chương trình LMAMS tại Prioria Robotics (cũng đã từng hợp tác với Textron Defense Systems) hi vọng sẽ thành công nhờ những lợi thế mà mẫu Maveric của công ty ông có thể so với Switchblade.

Nổi bật là khả năng hoạt động, một máy bay Switchblade mang đầy đủ vũ khí chỉ có thể ở trên không 10 phút, đòi hỏi lực lượng mặt đất phải trinh sát, tình báo chuẩn bị rất kĩ càng. Trong khi đó, Maveric có thế ở trên không lâu hơn gấp ba lần.

"Trong thực tế, khi đang bị áp đảo bởi hỏa lực địch, việc đầu tiên cần làm là chế áp chúng bằng những loạt bom, sau đó là cấp cứu những người bị thương và đưa họ về tuyến sau, rồi mới tính đến phản kích tiêu diệt đối thủ. Maveric được thiết kế theo phương án tác chiến đó", ông Lyon nói.

Textron Defense Systems cũng đưa ra mẫu Battle Hawk, với thời gian hoạt động tương đương Maveric, được trang bị cảm biến mặt đất nhằm truyền dữ liệu mục tiêu cho Battle Hawk.

Cả hai công ty này đều cho rằng, LMAMS là sẽ thay đổi lớn trong phương thức tác chiến của các nhóm nhỏ binh sĩ – vốn rất phổ biến hiện nay. Binh sĩ có thể tham chiến nhanh chóng, bớt đi sự phụ thuộc vào hỏa lực pháo binh nặng nề, chậm chạp.

"Những điểm nóng của Mỹ hiện nay là châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, Mỹ sẽ triển khai những lực lượng nhỏ, với sự yểm trợ của máy bay không người lái mới. Chẳng hạn, 2-3 chiếc UAV có thể được phóng lên, được điều khiển để truy lùng một kẻ địch đang lẩn trốn", ông Lyon nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại