Mỹ rút quân, Thổ xung trận ở Bắc Syria: TT Erdogan đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới với hậu quả khó lường

Đại sứ Nguyễn Quang Khai - Xử lý ảnh: Đỗ Linh |

Rất khó có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống R.T. Erdogan trong cuộc phiêu lưu mới này.

Ngày 9/10/2019, người đứng đầu văn phòng liên lạc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fakhruddin Alton tuyên bố, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các lực lượng của quân đội Syria tự do đang chuẩn bị vượt biên giới vào lãnh thổ Syria.

Tạp chí "Foreign Policy" dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận với đại sứ quán Mỹ ở Ankara sẽ bắt đầu chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria trong vòng 24 giờ tới. Đây là chiến dịch quân sự thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd kể từ 2016 đến nay.

Chính phủ Syria tuyên bố sẽ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Syria nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bất cứ hành động quân sự nào vào miền Bắc Syria. Các lực lượng Dân chủ người Kurd Syria (SDF) cảnh báo khu vực biên giới Đông-Bắc Syria đang trên bờ vực chiến tranh và một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Trong khi đó, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ Syria giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara dự định sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại "Các lực lượng Dân chủ (SDF) và "Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG)" của người Kurd để thành lập một "An toàn khu".

Mục tiêu chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ

Một cuộc rút quân hoàn toàn của Mỹ sẽ tạo ra một khoảng trống và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tận dụng cơ hội này để mở một cuộc tấn công chống lại người Kurd. Một cuộc tấn công lớn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực này vào một cuộc chiến tranh, các thành quả của người Kurd đứng trước nguy cơ bị sụp đổ do mất đi sự ủng hộ của Washington.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd ở các vùng lãnh thổ miền bắc Syria dọc theo biên giới hai nước là nhằm mở rộng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chiến dịch quân sự thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria kể từ năm 2016, mục đích chủ yếu để tiêu diệt các lực lượng người Kurd, đứng đầu là "Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG)" và "Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF)", được Ankara coi là cánh tay kéo dài của đảng Công nhân Kurdistan (PKK) đòi li khai, chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ rút quân, Thổ xung trận ở Bắc Syria: TT Erdogan đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới với hậu quả khó lường - Ảnh 1.

Quân Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị vượt biên giới vào miền Bắc Syria

Chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong kế hoạch nhằm thành lập một "An toàn khu" có chiều dài 500 km và sâu vào bên trong lãnh thổ Syria 32 km để hồi hương hơn 2 triệu người tỵ nạn Syria hiện đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ về tái định cư tại đây.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ nhằm tạo ra một khu vực an toàn dọc theo đường biên giới phía Nam của mình mà thông qua chiến dịch quân sự này, Tổng thống R. T. Erdogan muốn đạt được những thành tựu lớn hơn về chính trị ở trong nước cho cá nhân và đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông.

Một trong những mục tiêu chính, ngoài việc làm suy yếu người Kurd Syria và đẩy họ ra xa biên giới, cắt mối liên hệ trực tiếp với các khu vực người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara muốn duy trì sự có mặt lâu dài về quân sự bên trong lãnh thổ Syria. Bộ tư lệnh khối NATO gần đây đã nói bóng gió rằng họ muốn Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân vĩnh viễn tại Syria. Tuy nhiên, điều này trái với cam kết của Ankara tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khó có cơ hội thành công

Kế hoạch thành lập một "An toàn khu" hoặc sự có mặt lâu dài về quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ Syria rất khó có thể thành công khi không được sự đồng ý của chính quyền Damascus. Rất khó có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống R.T. Erdogan trong cuộc phiêu lưu mới này.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo với sự giúp đỡ của Liên minh do Mỹ đứng đầu đã giành được nhiều thành quả trong cuộc chiến ở Syria, giải phóng được một vùng lãnh thổ rộng lớn khỏi sự chiếm đóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mở rộng ảnh hưởng và quyền kiểm soát ở miền Bắc và miền Đông Syria.

Theo các nguồn tin quân sự, các lực lượng người Kurd hiện đang kiểm soát khu vực ở phía Đông-Bắc Syria trải dài 500 km từ sông Euphrates ở phía Tây đến biên giới của Iraq ở phía Đông.

Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ phải đối đầu với các lực lượng SDF và YPG của người Kurd được Mỹ huấn luyện, vũ trang là một lực lượng tinh nhuệ có kinh nghiệm chiến đấu cao trong cuộc chiến chống IS, giải phóng Raqqa, cơ quan đầu não của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Mặt khác, chính quyền Damascus chắc chắn sẽ không ngồi yên, họ đang kêu gọi các lực lượng người Kurd hợp tác với quân đội quốc gia cùng nhau đứng lên chống lại sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chiến dịch quân sự lớn như vậy đòi hỏi một khoản chi phí tài chính lớn, chưa kể đến các chi phí để quản lý các khu vực sau này nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp các dịch vụ công cho hàng triệu người tỵ nạn Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định đưa về đây.

Trong khi đó, Tổng thống D.Trump tuyên bố sẽ phá hủy nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara vượt qua làn ranh đỏ, tấn công đồng minh người Kurd của Mỹ. Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công chống lại người Kurd ở Đông-Bắc Syria.

Mỹ rút quân, Thổ xung trận ở Bắc Syria: TT Erdogan đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới với hậu quả khó lường - Ảnh 3.

Dư luận quốc tế, đặc biệt Nga, Iran, các nước Ả Rập, châu Âu... và hơn 30 triệu người Kurd bên trong và bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ hành động quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dư luận quốc tế, đặc biệt là Nga và Iran, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không ủng hộ hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ, nhưng cần phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria và tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài có mặt bất hợp pháp phải rời khỏi Syria. Nhiều nước Ả Rập và châu Âu cũng không đồng tình với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống người Kurd.

Nguyên nhân nào dẫn đến quyết định của D. Trump rút quân khỏi Syria?

Mỹ rút quân, Thổ xung trận ở Bắc Syria: TT Erdogan đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới với hậu quả khó lường - Ảnh 4.

Quân Mỹ chuẩn bị rút khỏi Syria

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, mặc dù có thể còn kéo dài nhưng Tổng thống D. Trump đã quyết định rút quân khỏi Syria.

Thứ nhất, trong chiến dịch tranh cử năm 2016 ông D. Trump đã hứa sẽ rút quân Mỹ khỏi Trung Đông, trong đó có Syria. Hiện nay, nội bộ nước Mỹ đang có rất nhiều vấn đề phức tạp, đấu tranh gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà, Tổng thống D. Trump đứng trước nguy cơ bị luận tội và khả năng bị phế truất, thì việc thực hiện lời hứa này sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2020. Quyết định rút quân khỏi Syria cũng nằm trong chiến lược nhằm giảm cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Trước đó, Tổng thống D. Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Syria ngay sau khi hoàn thành sứ mệnh của cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nay IS đã bị đánh bại. Nhà Trắng cũng nói rõ rằng, sau khi quân Mỹ rút, các đồng minh khu vực của Washington sẽ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của mình.

Mỹ rút quân, Thổ xung trận ở Bắc Syria: TT Erdogan đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới với hậu quả khó lường - Ảnh 5.

Thứ hai, lầu Năm góc cho biết để duy trì sự có mặt của 2.000 quân và các hoạt động quân sự tại Syria từ 2015 đến nay, Mỹ đã phải chi phí trên dưới 100 tỷ USD. Là một người thực dụng, trên tinh thần "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống D. Trump chủ trương buộc các đồng minh của Mỹ ở khu vực phải chia sẻ gánh nặng về tài chính. Chính vì lẽ đó, Washington luôn kêu gọi thành lập các liên minh với sự tham gia của nhiều nước, đặc biệt là những nước có khả năng tài chính lớn.

Quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria, phát động chiến dịch quân sự vào miền Bắc Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. T. Erdogan đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới đầy nguy hiểm, đẩy tình hình khu vực leo thang căng thẳng thêm một bước mới dẫn đến những hậu quả khó lường.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại