Mỹ rút quân khỏi Đức là sự "trả đũa" dành cho Berlin?

Thanh Bình |

Nhà khoa học chính trị Thomas Jaeger từ Đại học Cologne chia sẻ với tạp chí Focus cho rằng, kế hoạch rút quân khỏi Đức là phản ứng của Hoa Kỳ trước việc Berlin nỗ lực làm suy yếu chính sách đối ngoại của Washington.

“Miễn cưỡng tăng chi tiêu quốc phòng, từ bỏ “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng như các khoản đầu tư của Trung Quốc, bất kỳ ai đặt ra những thách thức như vậy đối với quốc gia thống trị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều không nên ngạc nhiên về hậu quả”, ông Jaeger nhận định.

Ông Jaeger cho biết: “Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cắt giảm 1/3 trong tổng số 36.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Đức. Một nửa số này sẽ được đưa về Mỹ và phần còn lại được triển khai ở nơi khác. Đồng thời, Mỹ dịch chuyển một trung tâm chỉ huy từ Đức sang Bỉ. Nhà Trắng nói rằng họ làm như vậy do thực tế là Berlin chi quá ít tiền cho quốc phòng, nhưng còn có những lý do khác”.

Từ quan điểm của chính sách an ninh, Liên minh châu Âu (EU) đang ở trong một “tình huống khó khăn” và điều này là do trong 20 năm qua EU đã không hoạt động, không chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai.

Theo ông Jaeger có rất nhiều lý do, nhưng hai lý do sau đây là quan trọng nhất:

Thứ nhất, châu Âu không thể chịu được áp lực bên ngoài từ các cường quốc khác. Nếu “kẻ thù mạnh và nghiêm khắc, các nước EU sẽ không thể chống lại”.

Thứ hai, liên minh không thể cung cấp an ninh và ổn định gần biên giới của chính mình. Một ví dụ nổi bật về điều này là sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và cuộc chiến ở Libya.

Những thiếu sót này thể hiện rõ nhất ở Đức, lấy ví dụ, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Ở Berlin, dự án được gọi là “hoàn toàn vì mục đích kinh tế”, trong khi đối với các quốc gia khác, đó là “một sáng kiến chiến lược rất chính trị”. Mỹ đã nói rõ ngay từ đầu rằng họ sẽ không cho phép xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Bây giờ “trò đùa đã kết thúc” và người Mỹ đã đe dọa sẽ xử phạt các doanh nghiệp châu Âu liên quan đến dự án.

Mới đây, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2021, trong đó có điều khoản mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với “Dòng chảy phương Bắc 2”.

“Các chính trị gia ở Berlin bắt đầu nói về một chiến lược đối phó, nhưng có thể nói họ đã trễ nhiều năm”, ông Jaeger nói.

Nhà khoa học chính trị cho biết thêm, ví dụ ở Vương quốc Anh, lúc đầu London chống cự, nhưng cuối cùng dưới áp lực từ Hoa Kỳ, họ đã loại bỏ công ty Huawei của Trung Quốc khỏi “cuộc đua” tạo ra mạng 5G. Ngoài ra, người Anh đã trở nên hoài nghi về các khoản đầu tư của Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Người châu Âu cũng không có gì để phản đối áp lực từ Washington. Và người ta không nên hy vọng rằng sẽ có gì đó thay đổi nếu xuất hiện một tổng thống mới từ đảng Dân chủ như John Biden. Chính sách của đảng ông Biden đối với Trung Quốc không khác lắm so với ông Trump.

Rõ ràng là người Mỹ sớm muộn gì cũng cảm thấy mệt mỏi với “tâm lý của Đức trong các vấn đề về chính sách an ninh”. Về vấn đề này, các chính sách của Hoa Kỳ được thống nhất. Có nghi ngờ rằng việc rút quân khỏi lãnh thổ Đức có thể có lợi cho Nga, nhưng Nhà Trắng khẳng định động thái này sẽ chỉ khiến Điện Kremlin sợ hãi hơn, cũng như tăng thêm tình đoàn kết giữa các đồng minh NATO và cải thiện khả năng chiến đấu của liên minh. Chính quyền ông Trump không nói về việc rút quân, mà là về việc tái tổ chức quân sự của họ.

Đồng thời, áp lực từ người Mỹ cũng là “áp lực thân thiện”. Áp lực từ Nga và Trung Quốc sẽ còn mạnh hơn nữa và mục tiêu sẽ lớn hơn. Điện Kremlin muốn “đục lỗ” ở EU và Trung Quốc muốn khuất phục kinh tế châu Âu. Cả hai quốc gia trên đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự ở Châu Phi, một khu vực rất quan trọng đối với người châu Âu.

“Điều đáng nhắc lại là chính quyền Đức biết về kế hoạch Mỹ rút quân khỏi Đức từ các tờ báo, chứ không phải là một thông báo chính thức từ Mỹ”, ông Jaeger nói.

Tệ hơn nữa, Berlin không tham gia vào bất kỳ kế hoạch nào của Mỹ để tổ chức lại quân đội ở châu Âu. Ngoài ra, Đức đã mất ảnh hưởng trong NATO, trong khi Ba Lan và Italy, ngược lại, đã tăng cường vị thế. Không có gì phải ngạc nhiên vì trong những năm gần đây, chính phủ Đức đã nhiều lần cố gắng làm suy yếu chính sách đối ngoại của Mỹ.

“Ở đây tôi nói về dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” và chi tiêu quốc phòng, nhưng điều tương tự cũng áp dụng cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng như kiềm chế chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc. Những người đặt ra những thách thức như vậy đối với quốc gia thống trị trong liên minh (Mỹ) không nên ngạc nhiên trước phản ứng này”, ông Jaeger kết luận.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 29/7 cho biết trong 34.500 nhân viên quân sự Mỹ đang đồn trú ở Đức, khoảng 6.400 người sẽ được rút về nước, trong khi gần 5.600 người sẽ được chuyển đến các thành viên NATO khác. Động thái này có thể khởi động trong vài tuần tới và mục tiêu chính của việc điều chuyển là củng cố sườn đông nam của NATO gần Biển Đen.

Chủ ý của Mỹ nhằm hiện thực hóa những bức xúc lâu nay của ông Trump, cho rằng Đức đã không đóng góp công bằng ngân sách quốc phòng của NATO và cáo buộc Đức lợi dụng Mỹ trong lĩnh vực thương mại. “Chúng tôi giảm bớt lực lượng vì họ không thanh toán các khoản chi phí của họ; chuyện rất đơn giản”, ông Trump nói.

Cũng theo ông Esper, một số quân nhân có thể được điều động tới Ba Lan và các nước vùng Baltic nếu Washington có thể đạt được thỏa thuận với họ về việc này. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh chỉ một lượng nhỏ các đơn vị hiện đại sẽ dời đi sớm, còn những bộ phận khác sẽ phải mất nhiều năm nữa để thực hiện xong hoàn toàn kế hoạch di dời, một phần vì khoản chi phí liên quan lên tới nhiều tỉ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại