Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để 'áp sát' Nga hơn nữa?

Đức Trí |

Mỹ rút quân của khỏi Afghanistan được cho là “lùi một bước, tiến hai bước” để áp sát Nga hơn nữa.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Nguồn: Sina.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Nguồn: Sina.

Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ có thể sẽ triển khai lực lượng rút khỏi Afghanistan tới Uzbekistan và Tajikistan, tuy nhiên vẫn chưa có sự đồng thuận về vấn đề này.

Thông tin này cũng được Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại của Nga Sergei Naryshkin xác nhận, ông cho rằng Mỹ đang cố gắng triển khai quân đội đã rút khỏi Afghanistan tới các nước láng giềng của Nga. Tuy nhiên ông cũng tự tin khẳng định, các nước này sẽ không đồng ý với đề xuất của Mỹ.

Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại Nga cho biết thêm: "Chúng tôi hiểu và thậm chí có thông tin. Họ đang cố gắng và sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi rất mong chờ điều đó. Không chỉ đối tác mà cả các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể cũng sẽ không đồng ý".

Wall Street Journal cho biết, Mỹ sẽ không bỏ mặc chính phủ Afghanistan. Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục hỗ trợ Kabul và giám sát các hoạt động của Taliban và các nhóm cực đoan khác trong khu vực.

Khoảng một nghìn nhân viên của Đại sứ quán Mỹ vẫn ở lại thủ đô Kabul, do đó phải có các chuyên gia đảm bảo an toàn cho họ. Chính bởi vậy Nhà Trắng đang cân nhắc các phương án triển khai căn cứ quân sự ở hai nước láng giềng Uzbekistan và Tajikistan.

Gần đây, đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad đã đến thăm Tashkent và Dushanbe để giám sát tình hình tại chỗ. Về mặt chính thức, các bên đã thảo luận về quá trình hòa giải ở Afghanistan và cũng đề cập đến các căn cứ quân sự.

Các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn về vấn đề trên đã nhận định rằng, Tashkent và Dushanbe đều có quan hệ mật thiết với Moscow, nên Tajikistan và Uzbekistan có thể không đồng ý.

Ông Naryshkin nói: "Rõ ràng, khi chính phủ Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, họ không muốn mất quyền kiểm soát khu vực và có ý định triển khai một số nguồn lực của mình ở các nước láng giềng của Afghanistan."

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) là một liên minh quân sự giữa các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Đây được cho là không gian phòng thủ thay thế Khối Hiệp ước Warszawa, vốn tan rã vào đầu năm 1991 sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Trước tốc độ “Đông tiến” đáng lo ngại của EU và NATO, sự xuất hiện của CSTO hy vọng dựng lên được một đường ranh giới đối với không gian ảnh hưởng của Nga, đồng thời củng cố vị thế của Moscow trên các diễn đàn quốc tế.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 12 năm ngoái, các thành viên CSTO đã đạt được sự nhất trí về việc nỗ lực thúc đẩy hợp tác để thực hiện tham vọng trở thành đối trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mới đây nhất, tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Tajikistan Sherali Mirzo hồi cuối tháng 4/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga và Tajikistan đang xây dựng hệ thống phòng không thống nhất giữa hai nước.

“Để tăng độ tin cậy trong việc bảo vệ biên giới quốc gia trên không, chúng tôi đã chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận về việc thành lập Hệ thống Phòng không khu vực chung giữa LB Nga và CH Tajikistan”, Bộ trưởng Shoigu tuyên bố.

Theo tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov, ý định của Mỹ thực chất nhằm che giấu thất bại ở Afghanistan. "Việc rút quân đội ra khỏi Afghanistan chỉ chứng tỏ một điều- thất bại quân sự của Washington ở đất nước này. Họ không thể đạt được bất cứ điều gì ở đó", Sivkov nói.

Được biết, các căn cứ quân sự ở Trung Á sẽ cho phép Mỹ tiến hành hoạt động tình báo ở khu vực miền nam nước Nga và ảnh hưởng đến chính sách của các nước láng giềng. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski cho biết, cách hiệu quả nhất để "kiềm chế Nga" là tạo ra một chuỗi xung đột có kiểm soát ở biên giới.

Tajikistan là quốc gia thành viên của CSTO. Theo Điều 7 trong điều lệ của tổ chức này, Tajikistan vẫn có thể cho phép Mỹ đóng quân do nước này chưa nộp đơn lên CSTO để thảo luận về "Các quốc gia thành viên thông qua quyết định về việc triển khai trên lãnh thổ của họ các nhóm quân (lực lượng), đối tượng của cơ sở hạ tầng quân sự của các quốc gia không phải là thành viên CSTO, sau khi tham vấn khẩn cấp (thỏa thuận) với các quốc gia thành viên khác".

Tình hình Uzbekistan hơi khác. Tashkent đã hai lần tham gia CSTO (từ ngày 15/5 năm 1992 đến ngày 2/4 năm 1999 và từ ngày 16/8 năm 2006 đến ngày 28/6 năm 2012), nhưng, bây giờ quốc gia này không có các nghĩa vụ ràng buộc hay có hiệu lực đối với Moscow.

Quân đội Mỹ đã từng đóng quân tại nước này. Theo thỏa thuận được ký kết vào tháng 10 năm 2001, Lầu Năm Góc đã thuê căn cứ không quân Karshi-Khanabad ở miền đông nam Uzbekistan. Một phi đội máy bay vận tải quân sự C-130, khoảng mười trực thăng Black Hawk và một nghìn rưỡi quân nhân đã được chuyển đến đó.

Kể từ năm 2005, sau khi Uzbekistan quay trở lại CSTO, quân đội Nga đã sử dụng căn cứ không quân này. Ngày nay chỉ có lực lượng không quân Uzbekistan hiện diện tại đây. Và Tashkent không vội vàng thêm một lần nữa cho thuê căn cứ Karshi-Khanabad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại