Hệ thống phòng thủ được gọi là răng rồng mà Nga thiết kế ở vùng Donetsk. (Ảnh:
Các kỹ sư thiết kế chiến trường của Nga đang bận rộn tạo nên những mạng lưới kiên cố với nhiều chướng ngại vật nguy hiểm mà lực lượng của Ukraine sẽ phải vượt qua, nếu không sẽ bị pháo binh, máy bay không người lái và tên lửa tấn công.
Hệ thống phòng thủ này dù dựa trên chiến lược lâu đời nhưng có vẻ lợi hại: Hàng rào chướng ngại vật giống như kim tự tháp được gọi là thế răng rồng, được thiết kế để chặn các phương tiện như xe tăng; mỗi rãnh rộng khoảng 6m để bẫy xe bọc thép; một đường hào có các vị trí bắn kiên cố, các bãi mìn và dây thép gai.
Thế trận phòng thủ của Nga ở Kherson tháng 11/2022. (Ảnh: Maxar)
Bên cạnh đó là hỏa lực từ pháo binh và máy bay không người lái Nga, vì thế bất kỳ chậm trễ nào trong nỗ lực vượt qua các chướng ngại vật này đều có thể phải trả giá bằng tính mạng, nhất là khi lực lượng Ukraine không có không quân hỗ trợ.
Theo báo cáo của hai nhà nghiên cứu Jack Watling và Nick Reynolds, công tác tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, hệ thống phòng thủ của Nga thường có từ 2 - 3 tuyến hào chạy sâu tới 18 dặm, với tuyến cuối cùng bảo vệ bốt chỉ huy kiên cố và các vị trí dự phòng.
Trong gói viện trợ công bố ngày 13/6, Mỹ cho biết sẽ gửi thêm đạn dược để “dọn chướng ngại vật”, bệnh cạnh chất nổ C-4 và “thiết bị phá hủy” đã gửi trước đó. Những khí tài này có thể giúp đặc công và các phương tiện rà phá bom mìn hạng nặng của Ukraine tạo nên bước đột phá, dọn đường cho lực lượng tấn công tràn vào.
Có khả năng Ukraine có thể tránh được hệ thống phòng thủ này bằng cách tránh những con đường và khu vực bị chặn. Theo một số chuyên gia, các vị trí của Nga có thể dễ bị tổn thương từ các cuộc tấn công vượt qua địa hình trống trải và tránh xa các con đường.