Toàn cảnh thành phố Liễu Châu nhìn từ bến tàu du lịch Đông Đê bên bờ sông Liễu. Ảnh: Hữu Hiển
Sông Liễu trong vắt uốn khúc từ phía tây bắc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) qua những ngọn núi và thung lũng rồi chảy qua trung tâm thành phố Liễu Châu - cách tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam 680 km. Sông Liễu bao quanh thành phố, được người Liễu Châu ca ngợi là sông mẹ, đủ để chứng minh người Liễu Châu vô cùng coi trọng sông Liễu.
Theo Cục Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, từ lâu, Liễu Châu đã coi việc khai thác sử dụng sông Liễu là một dự án quan trọng nhằm tạo ra "Cảnh quan Liễu Châu" và "Thành phố vườn".
Quy hoạch "Trăm dặm sông Liễu"
Kể từ năm 2005, chính quyền thành phố đã liên tiếp ban hành "Kế hoạch kiểm soát cảnh quan Liễu Châu "Trăm dặm sông Liễu", "Kế hoạch kiểm soát cảnh quan hai bên bờ cầu Tam Môn thành phố Liễu Châu", "Thiết kế đô thị của cơ sở thể thao dưới nước Liễu Châu và các khu vực xung quanh", cũng như các dự án trọng điểm như Dự án thác Bàn Long Sơn, phố cổ Diêu Phụ, cầu Bạch Sa… Tất cả tạo thành quy hoạch cốt lõi quan trọng nhất của Liễu Châu trong hơn mười năm nay: Quy hoạch "Trăm dặm sông Liễu".
Quy hoạch "Trăm dặm sông Liễu" bắt đầu từ việc giải quyết giao thông dọc con sông, tạo cảnh quan đô thị độc đáo, làm nổi bật cá tính của Liễu Châu, cải thiện môi trường đô thị của thành phố và bảo vệ mô hình cảnh quan đô thị của sông núi Liễu Châu, tạo ra sự thống nhất hài hòa giữa con người - thành phố - thiên nhiên.
"Công dân Liễu Châu là những công dân hạnh phúc nhất nước [Trung Quốc]!", Trương Kế Cương - một đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc, đã nhiều lần đến Liễu Châu - ca ngợi Liễu Châu.
Hơn 20 cây cầu với hình thù khác nhau trên sông Liễu được vẽ nên bằng những đường nét quyến rũ của ánh đèn màu, làm du khách như đang thưởng thức một "bản giao hưởng ánh sáng" tuyệt vời. Ảnh: Hữu Hiển
Kể từ khi quy hoạch "Trăm dặm sông Liễu" được phê duyệt, nhiều dự án cảnh quan ven sông đã được triển khai và đạt hiệu quả tốt. Hai bên bờ sông Liễu hiện đang tỏa sáng rực rỡ với những sân khấu nhạc nước có thể nổi lên hoặc chìm xuống dưới sông, thác Bàn Long Sơn tráng lệ, phố cổ Diêu Phụ, dự án phủ xanh cảnh quan hai bờ sông, trung tâm thể thao dưới nước, xe buýt dưới nước…
Tạ Thiệu Kiên - một cư dân 80 tuổi sống bên bờ sông Liễu cho biết: "Dù du khách đến từ Bắc Kinh, Cáp Nhĩ Tân hay Tứ Xuyên, họ đều hết lời khen ngợi sông Liễu ở Liễu Châu, khiến tôi cảm thấy rất tự hào."
Và vẻ đẹp của sông Liễu cần được ngắm nhìn vào ban đêm. Cảnh đêm của sông Liễu - được đầu tư hàng trăm triệu USD - đã trở thành "tấm danh thiếp" mới của Liễu Châu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác truyền thông "Đối tác ASEAN" năm 2023 diễn ra từ ngày 6-9/6 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, phóng viên đến từ 8 nước ASEAN đã có cơ hội đến thăm Liễu Châu, đi du thuyền thưởng lãm cảnh đêm dọc hai bờ sông Liễu.
Khi thành phố lên đèn, du khách có thể nhìn từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, chiêm ngưỡng toàn cảnh Liễu Châu từ xa, thật duyên dáng và đầy màu sắc. Hơn 20 cây cầu với hình thù khác nhau trên sông Liễu được vẽ nên bằng những đường nét quyến rũ của ánh đèn màu, làm du khách như đang thưởng thức một "bản giao hưởng ánh sáng" tuyệt vời.
"Tôi thấy dọc đường có rất nhiều cây cầu bắc qua sông Liễu. Hiện tại, số lượng cầu bắc qua sông như vậy ở Campuchia tương đối hạn chế. Điều này phản ánh rằng cơ sở hạ tầng hiện tại ở Trung Quốc, đặc biệt là sông Liễu ở Quảng Tây, là rất tốt" - Ann Samnang - phóng viên của kênh Campuchia Bayon TV - cho biết.
Phóng viên các nước ASEAN đến thăm Liễu Châu, đi du thuyền thưởng lãm cảnh đêm dọc hai bờ sông Liễu. Ảnh: Hữu Hiển
Không chỉ vậy, cảnh quan dọc theo sông Liễu cũng kích thích nền kinh tế ban đêm của Liễu Châu, giúp cho "sức sống về đêm" của thành phố này giải phóng thêm nhiều động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Tại chợ đêm "Trăm dặm sông Liễu" cạnh bến tàu du lịch Đông Đê, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản, nghe các buổi hòa nhạc theo chủ đề, cảm nhận niềm vui và vẻ đẹp của đêm hè Liễu Châu.