Israel đang rất giận dữ và cật lực phản đối thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), bất chấp việc Israel và UAE đã nhất trí bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, theo tờ Jerusalem Post, mọi chuyện dường như là "sự đã rồi": Tiêm kích tàng hình tiên tiến F-35 khả năng cao sẽ nằm trong tay các phi công UAE trong vài năm tới.
Tại buổi họp báo ở Jerusalem ngày 24/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Abu Dhabi các vấn đề liên quan tới kỹ thuật-quân sự như những gì đã diễn ra trong 2 thập kỷ qua.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo cung cấp cho UAE những trang thiết bị mà họ cần để bảo vệ người dân UAE từ cùng mối đe dọa này" - ông Pompeo nói, ám chỉ tới mối đe dọa từ Iran.
Song, Ngoại trưởng Mỹ đồng thời nhấn mạnh rằng "Washington có một yêu cầu pháp lý liên quan tới QME và chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng điều đó".
Nói cách khác, theo JPost, mặc dù Washington hứa hẹn cung cấp cho Abu Dahbi hàng triệu USD vũ khí trong khuôn khổ các thỏa thuận quân sự giữa hai phía, nhưng họ cũng cam kết sẽ bảo toàn QME của Israel ở Trung Đông.
Nếu đã như vậy, một thắc mắc được đặt ra ở đây là: Israel sẽ/có thể đòi hỏi gì từ Mỹ để đổi lại việc UAE được tiếp nhận các tiêm kích tàng hình F-35?
Phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B
Phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B. Ảnh: Hải quân Mỹ
Israel từng bày tỏ sự quan tâm đối với phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B bởi phiên bản này sẽ cho phép máy bay hạ cánh xuống các đường băng ngắn hơn nhiều đường băng thông thường trong trường hợp các căn cứ của Lực lượng phòng vệ Israel (IAF) bị các chiến đấu cơ Iran hoặc tên lửa của Hezbollah tấn công.
Thế nhưng, một quan chức cấp cao trong Không quân Israel từng tham gia vào quyết định mua F-35 của Tel Aviv trước đây nói với JPost rằng, F-35B có nhiều bất lợi hơn là lợi thế.
"F-35B có thể cho phép IAF nói chung và không quân Israel nói riêng mở rộng phạm vi hoạt động nhưng lượng vũ khí mà nó mang được ít hơn đáng kể"- vị quan chức nói.
V-22 Osprey
IAF đang một lần nữa tìm cách mua các máy bay V-22 Osprey của Boeing bất chấp những vấn đề về ngân sách. Theo IAF, họ cần có khoảng 12-14 chiếc máy bay có khả năng cất/hạ cánh như trực thăng nhưng bay giống các loại máy bay có cánh cố định.
Máy bay V-22 Osprey. Ảnh: Military.com
Mẫu máy bay đa nhiệm V-22 sử dụng công nghệ trục động cơ xoay, kết hợp khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng của trực thăng với tốc độ, độ cao bay và tầm bay của máy bay có cánh cố định. Chúng trở thành mẫu phi cơ lý tưởng cho các nhiệm vụ nhạy cảm bởi không cần tới đường băng.
Song, UAE cũng đang có nhu cầu mua V-22 nên theo JPost, có thể loại bỏ khả năng Israel đặt mua mẫu máy bay này để bảo toàn QME.
F-22 Raptor
F-22 là máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến được phát triển cho Không quân Mỹ. Đây là mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 được đưa vào biên chế Không quân Mỹ từ năm 2005.
Sử dụng công nghệ tàng hình và trang bị các hệ thống điện tử hiện đại, F-22 được thiết kế để nhanh chóng chiếm ưu thế trên không. Nó có thể mang theo các loại vũ khí như pháo M61A2, tên lửa AIM-120, AIM-9, bom GBU-32.
Theo JPost, do F-22 hiện chỉ có trong biên chế Không quân Mỹ nên nếu Washington đồng ý cung cấp cho Israel mẫu máy bay này thì đó chắc chắn là nhân tố giúp Tel Aviv bảo toàn QME ở Trung Đông.
Tuy nhiên, cũng không có gì đảm bảo Israel cần tới mẫu phi cơ này để bảo toàn QME cả.
Các loại bom hạng nặng GBU-57A/B hoặc GBU-43/B
GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast (MOAB), hay còn mệnh danh "mẹ của các loại bom", là loại bom phi hạt nhân lớn nhất hiện nay trong kho vũ khí của Không quân Mỹ. Nó mới chỉ được sử dụng một lần nhằm vào các mục tiêu của Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng trong cuộc tấn công vào khu phức hợp hầm ngầm ở phía đông tỉnh Nangarhar, Afghanistan.
"Mẹ của các loại bom" GBU-43/B. Ảnh: Wiki
Hiện cả 2 loại bom này mới chỉ được Mỹ sử dụng, và chúng sẽ mang lại cho Israel năng lực phá hủy hiệu quả cơ sở hạ tầng nằm sâu dưới lòng đất của Iran.
Chưa phải dấu chấm hết cho thế ngự trị của Israel
Nhìn chung, theo JPost, việc Mỹ bán F-35 cho UAE sẽ làm giảm ưu thế trong khu vực của Israel, đặc biệt là nếu các quốc gia Ả Rập khác cũng đi theo xu hướng này trong thời gian tới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhấn mạnh, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel có thể cho phép quốc gia vùng Vịnh này ký kết được các thỏa thuận vũ khí mới với Mỹ.
Tuy nhiên, có lẽ không chỉ duy nhất UAE đề nghị Washington bán cho họ mẫu máy bay tiên tiến. Danh sách này có thể bao gồm cả những quốc gia Ả Rập khác từng ký hiệp ước hòa bình với Israel, như Jordan và Ai Cập.
Có điều, Ai Cập dường như đã phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ sau khi họ ký kết thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD gần đây để mua các tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 từ Nga.
"Saudi Arabia thì sao? Liệu khả năng mua được mẫu tiêm kích tiên tiến có trở thành động cơ thúc đẩy cuối cùng để vương quốc này ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tương tự với Israel?" - JPost đặt câu hỏi.
Song, theo tờ báo này, có một điều mà Israel vẫn có thể kỳ vọng, đó là Washington có thể cung cấp cho họ một số loại vũ khí sẵn có khác để đảm bảo Tel Aviv bảo toàn được QME trong khu vực.
"Đây sẽ không phải là dấu chấm hết cho vị thế ngự trị của Israel trên bầu trời Trung Đông"- JPost kết luận.