Các chuyên gia quân sự trả lời CNN làm thế nào để Mỹ phát hiện ra bị tên lửa tấn công, đánh giá mức độ nguy hiểm và bắn hạ.
Theo CNN, trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên, các vệ tinh của Mỹ đang liên tục khảo sát tại những khu vực Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa và tìm kiếm các dấu hiệu có thể cho thấy việc phóng tên lửa ở nơi chưa được sử dụng.
Tên lửa sẽ bị phát hiện ngay lập tức vì chúng mang theo nhiệt hồng ngoại khi được phóng đi. Sau đó, các hệ thống bí mật khác sẽ tính toán nhanh chóng quỹ đạo của tên lửa dựa trên tín hiệu không gian hoặc tín hiệu điện từ.
Kết quả phân tích này cho phép các quan chức quân sự Mỹ tính toán được đường đi của tên lửa và mục tiêu dự kiến. Quỹ đạo và mục tiêu này có thể được tính toán chỉ sau vài phút tên lửa phóng đi.
Mỹ có một quy trình giao tiếp liên quan nếu bị tấn công bằng tên lửa, bao gồm sự tham gia của các trung tâm điều khiển như Lầu Năm Góc, cộng đồng tình báo và các đơn vị chỉ huy quân đội Mỹ ở nước ngoài.
Mỗi đơn vị có nhiệm vụ nhanh chóng đưa ra đánh giá của mình về mối đe dọa mà tên lửa có thể gây ra.
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) có trụ sở tại Colorado sẽ xác định xem tên lửa có đe dọa đến lục địa nước Mỹ hay không.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương sẽ xác định tên lửa có đe dọa đến Nhật Bản, Hàn quốc, Guam hay Hawaii hay không.
Bộ Tư lệnh chiến lược sẽ xác định tên lửa có đe dọa đến các vệ tinh của Mỹ ngoài không gian hay không. Những loại tên lửa đạn đạo như của Triều Tiên đã từng bay rất cao vào không gian, nơi các vệ tinh đang hoạt động.
Nếu bất cứ đơn vị nào trong số trên xác định được nguy hiểm, họ sẽ nhanh chóng quyết định bắn hạ tên lửa với tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa có sẵn trong khu vực bị nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ sẽ được thông báo và tham vấn, nhưng nếu mối đe dọa trở nên cấp bách, Quân đội Mỹ có quyền tự phòng vệ và có thể đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, nếu Mỹ xác định bị tấn công bằng tên lửa, Tổng thống Trump sẽ là người quyết định có đáp trả hay không.