Nguyên nhân Nga dùng Tu-22M3
Nhằm đánh sập lán trại, phá hủy các kho vũ khí và đạn dược chính của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở tỉnh Deir ez-Zor, Nga đã điều động cùng một lúc 6 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 dội bom xuống các mục tiêu của IS.
Phi đội 6 chiếc Tu-22M3 được hộ tống bởi các tiêm kích Su-30SM và Su-35S để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các lán trại, kho vũ khí và đạn dược chính, nơi tập trung các trang thiết bị kỹ thuật và lực lượng khủng bố.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, dữ liệu tình báo xác nhận rằng, các mục tiêu này đều bị trúng không kích. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các máy bay đã quay về căn cứ ở Nga.
Phát biểu với Interfax, ông Vladimir Komoedov, cựu tư lệnh hạm đội Biển Đen cho rằng việc Không quân Nga dùng đến oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22M3 là nhằm đáp trả những hoạt động gia tăng của IS ở Deir ez-Zor. "Đó là đòn giáng trả hiệu quả của chúng ta với những kẻ dùng vũ khí chống lại nhân dân Syria", ông Komoedov nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Đông của Nga, ông Yevgeny Satanovsky thì cho rằng Deir ez-Zor tập trung nhiều đầu não của quân IS, và đây là cơ hội tập luyện của các máy bay ném bom chiến lược Nga.
Còn phi công huấn luyện Andrew Krasnoperov nói với hãng tin liên bang Riafan rằng, việc Không quân Nga dùng Tu-22M3 là rất hợp lý vì chúng bay rất cao, ngoài tầm bắn của tên lửa vác vai mà quân khủng bố có nhiều từ chiến lợi phẩm trong các kho vũ khí của Syria lẫn do Mỹ cung cấp.
"Các máy bay này sử dụng hệ thống ném bom chính xác để hạn chế thiệt hại cho thường dân. Nga đang tiến bộ rất xa về khoản vũ khí hiện đại, mà chúng ta có thể thấy qua cuộc thi không quân Aviadarts trong khuôn khổ cuộc thi ARMY 2016 là rõ".
Phi công Krasnoperov cho biết mỗi chiếc Tu-22M3 có thể quét sạch một khu căn cứ rộng lớn của IS vì nó chứa đến 24 tấn bom trong bụng.
Mỹ chỉ nguyên nhân
Theo Business Insider, trong những nhận định của những phi công, chuyên gia quân sự Nga về quyết định dùng Tu-22M3 cho trận chiến tại Palmyra thì chỉ có Andrew Krasnoperov có lý.
Theo tạp chí Mỹ, việc Nga phải dùng oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 để thực hiện không kích tầm cao cho thấy, chiến lược dùng lưới lửa tầm thấp của Nga tại Syria cơ bản đã phá sản hoặc Moskva không đủ tự tin với chiến thuật này. Đặc biệt là sau khi 1 chiếc trực thăng Mi-35M bị phiến quân bắn hạ hồi tháng 7/2016.
Ngay sau khi sắc lệnh rút bớt vũ khí và chiến đấu cơ của Tổng thống Putin hồi tháng 3/2016 được Moskva thực hiện, tình báo phương Tây đã phát hiện nhiều máy bay vận tải Antonov khổng lồ đã đến rồi đi khỏi sân bay ở tỉnh Latakia, chở các loại trang thiết bị và nhân viên kỹ thuật.
Theo nguồn tin quân sự phương Tây, sự việc đã trở nên rất rõ ràng, khi Nga vừa rút một số chiến đấu cơ cánh cứng đã "hoàn thành nhiệm vụ", vừa đưa các loại vũ khí mới thích hợp hơn vào chiến trường Syria trong lượt đi của các máy bay vận tải Antonov khổng lồ từ Nga đến sân bay ở tỉnh Latakia.
Nga không rút quân hoàn toàn khỏi Syria mà chỉ thay đổi các loại vũ khí sao cho phù hợp với điều kiện thực tế trên chiến trường, yểm trợ hiệu quả nhất cho các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Số lượng trực thăng vũ trang Mi-35M của Nga ở Syria đang tăng lên, trong khi các loại trực thăng vũ trang hiện đại hơn như Mi-28 Havoc và Ka-52 Alligator cũng đã tham chiến lần đầu tiên. Mặc dù vẫn duy trì các phi đội tiêm kích Su-30 và Su-35S cùng với một số máy bay ném bom Su-24, số chiến đấu cơ cánh cứng của Nga ở Syria đã giảm đáng kể từ giữa tháng 3/2016.
Trước sự thay đổi phương thức tác chiến tại Syria của Nga, tạp chí Business Insider cho rằng, Moskva đã tìm ra cách tấn công lực lượng khủng bố IS hiệu quả hơn khi tin dùng dàn trực thăng với lưới lửa tầm thấp thay vì tầm cao từ những máy bay chiến đấu cánh cứng.
Và đây chính là lý do khiến Nga đã điều lượng lớn trực thăng đến Syria ngay sau khi nước này thực hiện rút bớt vũ khí và chiến đấu cơ về nước, Business Insider nhận định. Tuy nhiên, việc sử dụng trực thăng vũ trang bay thấp chứa đựng nhiều rủi ro và máy bay Nga có thể bị bắn hạ bằng tên lửa phòng không vác vai hiện đại của các nhóm phiến quân khác nhau ở Syria.
Loại trực thăng vũ trang Mi-28 Havoc có tính năng tương đương với trực thăng vũ trang AH-64 Apache của Mỹ, loại trực thăng vũ trang trụ cột trong các chiến dịch của phương Tây ở Iraq và Afghanistan.
Mi-28 Havoc rất thích hợp với việc yểm trợ hỏa lực tầm thấp cho các lực lượng mặt đất của chính phủ Syria ở địa hình tương đối thông thoáng. Nó có thể quần đảo lâu hơn các loại máy bay cánh cứng và lặp đi lặp lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo.
Trong khi đó, Ka-52 Alligator là loại trực thăng vũ trang độc đáo hơn với bộ đôi của cánh quạt chính và không có cánh quạt đuôi. Điều này cho phép nó có lợi thế hơn máy bay trực thăng thông thường về tốc độ, về số lượng vũ khí mang theo và khả năng bảo vệ trước hỏa lực phòng không tầm thấp của đối phương.
Mặc dù Nga đã rút phần lớn các phi đội chiến đấu cơ cánh cứng khỏi Syria, nhưng chiến dịch rút quân này chỉ là một sự thay thế chiến đấu cơ bằng trực thăng vũ trang tỏ ra hữu hiệu hơn trong điều kiện chiến trường Syria.
Đáng chú ý là các lực lượng Nga đang thực sự chiến đấu một cách hữu hiệu trong cuộc chiến chống phiến quân IS, chứ không còn tập trung không kích các lực lượng mà Mỹ coi là "ôn hòa" ở Syria. Tuy nhiên, chiến thuật dùng hỏa lực tầm thấp từ dàn trực thăng của Nga cơ bản đã bị phá sản sau khi một chiếc Mi-35M bị IS bắn hạ hồi cuối năm 2016.
Phản ứng sau vụ bắn hạ này, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á Semyon Bagdasarov nhận định: "Nếu chúng ta tiếp tục dùng hỏa lực tầm thấp có thể sẽ làm tăng tổn thất cho máy bay của chúng ta. Vì vậy cần phải phối hợp các lực lượng để bảo đảm an toàn".
Theo ông Semyon Bagdasarov, điều khiến Nga phải thận trọng là không chỉ tổ chức khủng bố IS mà các nhóm vũ trang khác tại Syria cũng đang sở hữu số lượng lớn tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) và đây chính là nguy cơ lớn nhất với trực thăng Nga khi tác chiến tầm thấp.