Sáng 19/6, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, trong bài phát biểu, nhấn mạnh rằng có "cánh cửa rộng mở" cho các cuộc đàm phán và không cần điều kiện trước. "Chúng tôi mong đợi và hy vọng rằng trong một tương lai không xa, chúng tôi sẽ tham gia lại vào quá trình này một cách thực chất", ông nói trong sự kiện tại cơ quan nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
Ông lưu ý rằng đã không có đàm phán cấp độ làm việc nào kể từ khi hội nghị thượng đỉnh không có thỏa thuận vào tháng 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc.
Chiều 19/6, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên, lần này nhắm vào một công ty tài chính Nga mà họ cáo buộc cung cấp dịch vụ cho Bình Nhưỡng để hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân. Họ cảnh báo những người "cố gắng phá vỡ thẩm quyền" để giúp Triều Tiên tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu sẽ đối mặt với "rủi ro trừng phạt đáng kể".
Hành động kép được đưa ra trong bối cảnh hy vọng khôi phục các cuộc đàm phán Mỹ - Triều quay trở lại, theo sau những gì ông Trump mô tả là một bức thư "tốt đẹp" từ ông Kim vào tuần trước.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm tới Triều Tiên ngày 20-21/6, cuộc gặp có thể có tác động đối với cả các cuộc đàm phán hạt nhân và các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo Yonhap News, Mỹ trước đó đã khẳng định sẽ duy trì hai cách tiếp cận đối thoại và trừng phạt, nhưng hiếm khi cả hai thông điệp được đưa ra trong cùng một ngày. "Chúng tôi rất muốn thận trong các thông điệp" - ông Biegun nói trước khi lệnh trừng phạt được công bố. "Bạn hỏi chúng tôi có đang đặt điều kiện không. Chúng tôi không."
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các nhà đàm phán của Triều Tiên phải chuẩn bị để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa tại các cuộc đàm phán cấp độ làm việc với Mỹ. "Đó chắc chắn là con đường dẫn đến thành công", ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh tháng 2 giữa ông Kim và ông Trump tại Việt Nam kết thúc đột ngột mà không có thỏa thuận nào, do sự khác biệt về quan điểm với phạm vi phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Ông Biegun nói rằng các nhà đàm phán Triều Tiên không được trao quyền trong các cuộc đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về phi hạt nhân hóa, và chỉ có thể giải quyết các vấn đề khác về cải thiện quan hệ song phương - đã được đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
Một số người kỳ vọng động lực mới sẽ được tạo ra sau một loạt các cuộc họp liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Nhật Bản, cũng như chuyến thăm của ông Trump tới Seoul để hội đàm với ông Moon sau đó.
Lần cuối cùng Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt liên quan đến Triều Tiên là vào tháng 3, khi Bộ Tài chính nhắm vào hai hãng tàu Trung Quốc bị cáo buộc giúp Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt.