Mỹ nói mà không làm được: Cuộc điện thoại "đến trễ" hé lộ bên cầm trịch trong đàm phán thương mại

An An |

Phía Mỹ vốn là bên tiết lộ trước về cuộc điện đàm với Trung Quốc nhưng lại không thể tiến hành điện đàm trong thời gian dự kiến.

Vào ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ thế bế tắc khi chủ động điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng xác nhận trên twitter rằng, hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ sẽ tổ chức hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka tới đây. Các nhóm đàm phán thương mại song phương cũng sẽ bắt đầu tái đàm phán nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp của hai nguyên thủ.

Chính quyền Trung Quốc sau đó cũng xác nhận thông tin này và cho biết, ông Tập sẵn sàng gặp ông Trump nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề cơ bản liên quan đến sự phát triển của quan hệ song phương.

Vào ngày 19/6, một ngày sau cuộc điện đàm giữa hai ông Trump-Tập, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng, ông sẽ nỗ lực trong "một ngày rưỡi" để điện đàm với Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ kiêm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Theo dự kiến, trước cuộc đối thoại của hai nguyên thủ hai nước tại G20 Osaka, ông ​​Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ có cuộc gặp với ông Lưu Hạc tại Osaka.

Vào ngày 24/6, ba bộ của Trung Quốc gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính đã tổ chức chung một cuộc họp báo ngắn về G20, trong đó, Thứ trưởng Bộ thương mại Vương Thụ Văn có bài phát biểu quan trọng. Ông này khẳng định, cả Trung Quốc và Mỹ đều nên nhượng bộ trong đàm phán thương mại.

Vào ngày 25/6, hãng thông tấn xã trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo, vào ngày 24/6, Ủy viên Bộ Chính trị trung ương, Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc đã tiến hành điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Cuộc điện đàm "đến trễ"

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, đây là cuộc điện đàm "đến trễ", bởi thứ nhất, cuộc gọi này trễ mất khoảng một tháng. Đây là cuộc điện thoại đầu tiên sau 6 tuần kể từ khi cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ hồi tháng 5 bị đổ vỡ.

Đáng chú ý, Mỹ cử hai nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán thương mại gồm hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin, trong khi đầu dây phía Trung Quốc chỉ có một mình ông Lưu Hạc.

Mỹ nói mà không làm được: Cuộc điện thoại đến trễ hé lộ bên cầm trịch trong đàm phán thương mại - Ảnh 1.

Hai quan chức Mỹ đã có cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Lưu Hạc vào ngày 24/6. Ảnh: AP

Thứ hai, cuộc điện đàm được tiến hành muộn hơn dự kiến. Trước đó, ông Lighthizer nói rằng, ông sẽ nỗ lực tiến hành điện đàm với Phó thủ tướng Lưu Hạc trong "một ngày rưỡi", ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập (18/6).

Vào ngày 19, Bloomberg tiết lộ, Đại diện thương mại Mỹ sẽ điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc vào ngày 19/6. Các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ cũng xác nhận hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin có thể sẽ gặp ông Lưu Hạc ba ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20.

Có thể thấy rằng cuộc gọi điện đàm vào ngày 24/6 giữa hai quan chức Mỹ và ông Lưu Hạc được tiến hành muộn hơn so với dự kiến ​​của Mỹ (19/6) nhưng vẫn diễn ra trước thềm thượng đỉnh G20.

Sau cuộc điện đàm của hai ông Trump-Tập, Bộ Ngoại giao và Bộ thương mại Trung Quốc liên tục khẳng định, trưởng đoàn đàm phán thương mại song phương sẽ tiến hành liên lạc theo chỉ đạo quan trọng của lãnh đạo hai nước".

Cụ thể, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong trả lời câu hỏi của Bloomberg tại một cuộc họp báo thường ngày khẳng định: "Trưởng đoàn đàm phán thương mại hai nước sẽ tiến hành trao đổi theo chỉ đạo quan trọng của lãnh đạo hai nước. Tôi không có thông tin cụ thể để cung cấp thêm".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thì nhấn mạnh: "Bộ Thương mại đã trả lời rõ ràng về các vấn đề tương tự. Tôi tin rằng các bạn cũng biết rằng, căn cứ theo đồng thuận qua cuộc điện đàm của nguyên thủ hai nước Trung-Mỹ, nhóm đàm phán kinh tế thương mại hai nước sẽ nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo quan trọng của hai nguyên thủ và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ tại Hội nghị thượng đỉnh Osaka. Tôi không có gì để thông báo thêm".

So sự thiếu đồng bộ của Đại diện thương mại Mỹ và Tổng thống Trump, Bắc Kinh cho thấy sự hiệp đồng tác chiến thống nhất hơn về công khai thông tin.

Đáng chú ý, khi thông báo về cuộc điện đàm, truyền thông Trung Quốc lựa chọn từ "nhận lời". Đây là cụm từ rất phổ biến trong ngữ cảnh ngoại giao của Trung Quốc nhưng hai từ đơn giản này lại ngầm phản ánh mối quan hệ giữa chủ động và thụ động. Nhận lời tiến hành điện đàm tức tức là hai bên xác nhận chính xác thời gian tiến hành trao đổi quan điện thoại, chứ không phải hành động bộc phát.

Phía Mỹ vốn là bên tiết lộ trước về cuộc điện đàm nhưng lại không thể tiến hành điện đàm trong thời gian dự kiến, cuối cùng, cuộc điện đàm chỉ được thực hiện cách thượng đỉnh song phương Mỹ-Trung tại G20 khoảng ba bốn ngày.

Theo Đa chiều, từ chi tiết nhỏ này có thể thấy rằng, Trung Quốc đã làm chủ được tiết tấu tổng thể của cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ và Bắc Kinh đang nắm chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán về sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại