Dòng chữ không hẹn mà nên trong sổ lưu niệm: TQ triển khai nhân sự "khống chế" Đông Bắc Á?

An An |

Việc bổ nhiệm tân Đại sứ tại Nhật Bản cho thấy, Trung Quốc không chỉ quan tâm riêng Tokyo mà còn nghiên cứu tổng thể ba nước Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trung Quốc thay đổi nhân sự

Mới đây ngày 23/6, Bắc Kinh đã chính thức xác nhận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ  tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này.  

"Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 lần thứ 14 tại Osaka, Nhật Bản từ ngày 27-29/6", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo.

Tuy nhiên, vài ngày trước, nhiều nguồn tin tiết lộ, ông Tập sẽ không thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản trong khoảng thời gian trước và sau hội nghị G20. Phía Tokyo sẽ coi lần tới Osaka tham dự G20 này của ông Tập là chuyến thăm làm việc, đồng thời sẽ sắp xếp hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật tại Osaka. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra thượng đỉnh, Thủ tướng Abe có thể sẽ chính thức mời Chủ tịch Tập tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản vào năm sau.

Về vấn đề này, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Khổng Huyễn Hựu ngày 21/6 trả lời phỏng vấn cho biết, chuyến công du cấp nhà nước tới Nhật Bản của ông Tập có khả năng được thực hiện trong tương lai không xa. 

"Liên quan đến chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Abe và chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần gửi thư mời tới phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét và cơ quan ngoại giao của hai nước vẫn đang duy trì liên lạc", ông này nói, "Nếu chuyến thăm được lên kế hoạch, tôi tin rằng cả hai bên đều hy vọng sẽ thực hiện chuyến thăm trong thời gian tiết trời đẹp, chẳng hạn như khi hoa anh đào nở rộ".

Dòng chữ không hẹn mà nên trong sổ lưu niệm: TQ triển khai nhân sự khống chế Đông Bắc Á? - Ảnh 1.

Ông Khổng Huyễn Hựu (trái) bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo

Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là chuyến thăm Nhật Bản sau 12 năm của một Chủ tịch Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng từ chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn đang được dư luận và truyền thông thế giới phân tích sôi nổi. Sức ảnh hưởng của chuyến thăm này được cho không chỉ giới hạn ở Trung Quốc và Triều Tiên mà còn tác động đến "cuộc chơi" của Trung-Mỹ, cũng như khuấy động cục diện Đông Bắc Á. 

Ngoại giao vốn là bộ mặt mở rộng của nền chính trị của một quốc gia, từ đó có thể nhận thấy những thay đổi chính sách của đất nước này ở một giai đoạn nhất định và trong một cục diện nhất định. Hiện nay, khi quan hệ Trung Quốc-Mỹ đang xuất hiện những biến động mạnh mẽ thì việc bắt đầu tập trung hơn vào mối quan hệ với ba nước láng giềng ở Đông Bắc Á và để duy trì sự ổn định ở khu vực này được coi là một lựa chọn cần thiết.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh cũng rất thành thục trong việc duy trì sự ổn định của các mối quan hệ ở Đông Bắc Á thông qua việc sắp xếp nhân sự như việc bổ nhiệm các Đại sứ. Ví dụ, mới đây khi ông Trình Vĩnh Hoa - Đại sứ tại Nhật Bản trong hơn 9 năm miễn nhiệm; Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về vấn đề Bán đảo Triều Tiên Khổng Huyễn Hựu đã tiếp nhận vị trí này. Đáng chú ý, ông Khổng là dân tộc thiểu số Triều Tiên tại Trung Quốc.

Một số ý kiến cho rằng, đằng sau việc bố trí ông Khổng Huyện Hựu cho thấy Bắc Kinh sẽ đưa các vấn đề Đông Bắc Á vào một vị trí quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại.

"Dĩ hòa vi quý"

Vào chiều ngày 21/6, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Khổng Huyễn Hựu đã tổ chức một buổi họp báo tại câu lạc bộ báo chí Nhật Bản. Trong cuộc họp này, ông đã viết bốn chữ "Dĩ hòa vi quý" vào sổ niệm lưu của câu lạc bộ. Đáng chú ý, đây cũng là dòng lưu bút được lưu lại trước đó của Thủ tướng Abe.

Giới phân tích cho rằng, động thái ăn ý không hẹn mà nên của Trung-Nhật chứng tỏ quan hệ song phương đang tự điều chỉnh dựa theo xu thế địa chính trị mới, đồng thời cho thấy sứ mệnh của ông Khổng Huyễn Hựu - tiếp tục cải thiện quan hệ song phương.

Ảnh 2: Bút tích của ông Khổng Huyễn Hựu (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe (trái). 

Sau khi được bổ nhiệm, ông này đã nhận trả lời phỏng vấn chung với truyền thông Trung Quốc-Nhật Bản, tuyên bố rằng ông sẽ "nỗ lực hết sức để xây dựng mối quan hệ Trung-Nhật đáp ứng yêu cầu của thời đại mới". Ông cũng đã đến thăm tổ chức hữu nghị phi chính phủ Nhật Bản: Hiệp hội hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc. Điều này cho thấy ông đã bắt đầu thực hiện sứ mệnh được Bắc Kinh giao phó.

Theo tài liệu công khai, ông Khổng Huyễn Hựu, năm nay 59 tuổi, thuộc dân tộc thiểu số Triều Tiên tại Hắc Long Giang. Năm 1985, công việc đầu tiên của ông sau khi tốt nghiệp là nhân viên tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Osaka, Nhật Bản. Đặc biệt, ba trong bốn nhiệm kỳ ngoại giao ở nước ngoài, ông làm việc Nhật Bản. Từ nhân viên Tổng lãnh sự quán đến Bí thư thứ nhất, thứ hai đến công sứ ở Nhật Bản, ông Khổng đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại nước này.

Một lý do khác được cho tạo điều kiệu cho việc kế nhiệm người tiền nhiệm Trình Vĩnh Hoa là do ông Khổng xuất thân ở khu vực Đông Bắc. Giới chuyên gia nhận thấy, mặc dù kể từ năm 2001 quan hệ Trung-Nhật xuất hiện tình trạng "lạnh nhạt về chính trị, căng thẳng về kinh tế" thì Bắc Kinh vẫn rất coi trọng quan hệ với Nhật. Trong số năm Đại sứ tại Nhật Bản, bao gồm ông Khổng Huyễn Hựu, có ba người xuất thân ở khu vực Đông Bắc. 

Một số nhà phân tích tin rằng, đây là mô hình chung của Bắc Kinh về Đông Bắc Á và việc xem xét tổng thể về quan hệ Trung-Nhật là để đưa quan hệ Trung-Nhật lên vị trí cao hơn trên một bàn cờ Đông Bắc Á đang thay đổi lớn. Đồng thời, việc bổ nhiệm ông Khổng Huyễn Hựu chứng tỏ Bắc Kinh nhận ra kinh nghiệm phong phú của ông đối với các vấn đề Đông Bắc Á và Triều Tiên.

Xu thế về Đại sứ Trung Quốc tại Nhật

Giới chuyên gia nhận định, kể từ Đại sứ Trung Quốc thứ 8 tại Nhật Bản (2001) Vũ Đại Vĩ đến Đại sứ thứ 11 Trình Vĩnh Hoa (2019), mặc dù mối quan hệ Trung-Nhật "lạnh nhạt về chính trị, căng thẳng về kinh tế" nhưng dường như đường quan lộ của các Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản thường rất xán lạn.

Ví dụ, Ngoại trưởng Vương Nghị, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải, cựu Ngoại trưởng Đường Gia Tuyền, tất cả đều từng là đại sứ hoặc công sứ tại Nhật Bản. 

Những thay đổi nhân sự trước nay của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy các Ngoại trưởng Trung Quốc về cơ bản đều có kinh nghiệm công tác ở Nhật Bản hoặc ở Mỹ như các ông Vương Nghị, Đường Gia Tuyền. Điều này đủ để minh họa tầm quan trọng của quan hệ Trung-Nhật trong ngoại giao của Trung Quốc. 

Dòng chữ không hẹn mà nên trong sổ lưu niệm: TQ triển khai nhân sự khống chế Đông Bắc Á? - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) từng là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật. Ảnh: EPA

Để đối phó với những thay đổi trong tình hình quốc tế, trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc đã dần chuyển sang Đông Bắc Á và việc này dễ dàng quan sát hơn thông qua "cơ sở dữ liệu hóa" các Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản.

Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1972, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cử Đại sứ đến Nhật Bản vào năm 1973. Tính đến năm 2019, Trung Quốc có 12 Đại sứ ở Nhật Bản, và có thể chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên (1973-1985), từ ông Trần Sở - Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc đến ông Tống Chi Quang, Đại sứ thứ ba. Giai đoạn này được đánh giá là thời kỳ trăng mật trong quan hệ Trung-Nhật, với sự trao đổi kinh tế và chính trị thường xuyên. 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hệ thống ngoại giao của Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn hiện đại hóa và các nhà ngoại giao chuyên nghiệp chưa có chỗ đứng. Do đó, từ sơ yếu lý lịch của các ông Trần Sở, Phù Hạo (đại sứ thứ hai của Nhật Bản) và Tống Chi Quang, họ đều là nhà ngoại giao có xuất thân từ quân đội.

Ví dụ, ông Tống Chi Quang vốn là một ủy viên chính trị thuộc quân đội Trung Quốc. Ở giai đoạn này, quan hệ Trung-Nhật đã gần gũi nhưng trong sự lựa chọn vị trí Đại sứ tại Nhật Bản, "độ tin cậy chính trị" vẫn là tiêu chuẩn đầu tiên.

Giai đoạn thứ hai (1985-2001), từ Đại sứ thứ tư Chương Thự  đến Đại sứ thứ bảy Trần Kiến.

Ở giai đoạn này, quan hệ Trung-Nhật không ổn định. Thời gian này, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp bắt đầu có chỗ đứng trên chính trường giúp Bắc Kinh có nhiều cân nhắc chiến lược hơn cho việc lựa chọn nhà ngoại giao.

Tuy nhiên giai đoạn này về cơ bản các Đại sứ Trung Quốc tại Nhật sau khi hết nhiệm kỳ về nước đều không có nhiều khởi sắc, do đó có thể thấy Bắc Kinh khi đó chưa coi Nhật Bản là một quốc gia quan trọng trong chính sách đối ngoại.

Giai đoạn thứ ba (2001-2019) từ Đại sứ thứ tám Vũ Đại Vĩ đến Đại sứ thứ 11 Trình Vĩnh Hoa. Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản "lạnh nhạt về chính trị, căng thẳng về kinh tế" nhưng sự nghiệp của các Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản thường rất phát triển.

Ví dụ, Ngoại trưởng đương nhiệm Vương Nghị, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và cựu Ngoại trưởng Đường Gia Tuyền, tất cả đều từng là đại sứ hoặc công sứ tại Nhật Bản trong giai đoạn này. Điều này cho thấy mặc dù có những bất ổn trong quan hệ Trung-Nhật nhưng tầm quan trọng của Nhật Bản trong hệ thống và chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng.

Hơn nữa, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản trong giai đoạn này cũng có một điểm chung "đặc thù", đó là quê quán. Số lượng các nhà ngoại giao đến từ ba tỉnh Đông Bắc tăng đột biến. Tính đến năm 2001,  ba trong năm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản đến từ vùng Đông Bắc.

Việc bổ nhiệm ông Khổng Huyễn Hựu cho thấy, chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã bước sang giai đoạn thứ tư. Như vậy, Bắc Kinh không chỉ đánh giá chỉ riêng Nhật Bản mà còn nghiên cứu tổng thể ba nước Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, đầy là sự cân nhắc toàn diện mang tính khu vực. 

Theo giới quan sát, là một nhà ngoại giao tinh thông tiếng Triều Tiên/Hàn Quốc, có cả kinh nghiệm về Nhật Bản, từng xử lý qua các vấn đề bán đảo nên ông Khổng hiểu rất rõ về chính trị Hàn Quốc-Triều Tiên. Điều này khiến dư luận dấy lên câu hỏi liệu các nhà ngoại giao Trung Quốc có hiểu biết về ba nước này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hay không.

Hơn nữa, trước khi đảm nhiệm vai trò Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên, ông Khổng Huyễn Hựu (và trước ông là cựu Đại sứ Vũ Đại Vĩ) đều có hơn 10 năm rèn giũa ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật. Điều này có thể cho thấy 20 năm trước, Bắc Kinh đã chuẩn bị đào tạo các nhà ngoại giao có sợi dây liên kết giữa bốn nước Trung-Nhật-Hàn-Triều.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại