Ông Tập thăm Triều Tiên: Nhìn dàn quan chức chóp bu Trung-Triều để biết vấn đề "nổi cộm" của 2 nước

An An |

Nhiều nhân vật nổi bật trong đội ngũ quan chức cấp cao tham dự thượng đỉnh Trung-Triều ngày 20/6 đang gây chú ý với dư luận thế giới.

Tờ Nhật báo DongA (Hàn Quốc) cho biết, từ danh sách các quan chức Trung Quốc tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Triều Tiên có thể thấy Bắc Kinh rất coi trọng chuyến thăm này.

Và trong danh sách đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Hà Lập Phong.

Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc được coi là "tổng chỉ huy" của nền kinh tế Trung Quốc và chịu trách nhiệm điều chỉnh tất cả các vấn đề kinh tế. Do đó, sự tháp tùng của ông Hà Lập Phong cho thấy Trung Quốc có ý định hỗ trợ thực sự cho nền kinh tế Triều Tiên.

Ngoài ra, theo Yonhap, các quan chức khác tham dự hội đàm thượng đỉnh Trung-Triều ngày 20/6 cũng rất đáng chú ý.

Ông Tập thăm Triều Tiên: Nhìn dàn quan chức chóp bu Trung-Triều để biết vấn đề nổi cộm của 2 nước - Ảnh 1.

Kinh tế được cho là 1 trong những trọng tâm trao đổi của hai nhà lãnh đạo Trung-Triều. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao kiêm Phó chủ tịch Ủy ban quốc vụ Triều Tiên Choe Ryong Hae, tân Thủ tướng Kim Jae Ryong, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế Ri Su Yong, Ngoại trưởng Ri Yong Ho, Cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Kim Su Gil tháp tùng Chủ tịch Kim Jong Un tham dự hội đàm.

Phía bên Trung Quốc gồm có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban Bí thư trung ương, Chủ nhiệm văn phong chính sách trung ương Đinh Tiết Tường; Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm văn phòng ủy ban công tác đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị, Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Hà Lập Phong.

Báo Hàn Quốc chỉ ra, ông Choe Ryong Hae trở thành nhân vật "số hai" Triều Tiên sau Hội nghị nhân dân tối cao được tổ chức vào ngày 10/4/2019, đồng thời tiếp tục giám sát các đơn vị kinh tế, chỉ huy xây dựng kinh tế theo lộ trình "phát triển kinh tế toàn diện" của Chủ tịch Kim Jong Un.

Ngoài ra, tân Thủ tướng Kim Jae Ryong - người được coi là "tổng chỉ huy" kinh tế Triều Tiên cũng tham dự cuộc họp này. Do đó, một trong những trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh này có thể tập trung vào hợp tác kinh tế Trung-Triều.

Thực tế, tại hội nghị song phương chiều 20/6, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định: "Phía Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc điều hành quản lý đất nước và tăng cường trao đổi nhân sự và đào tạo cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế dân sinh".

Bên cạnh đó, Cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Kim Su Gil lần đầu tham dự thượng định Trung-Triều cho thấy, Triều Tiên không chỉ đề cao chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như cuộc họp lần này, mà còn cho thấy sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước.

Một số chuyên gia tiết lộ, ông Kim Su Gil được cho là người đã đề xuất huy động quân đội tham gia vào các chương trình xây dựng kinh tế.

Trước đó ngày 19/6 - trước khi sang Triều Tiên, ông Tập đã phát biểu trên báo đảng Triều Tiên rằng, hai bên "trao đổi kinh nghiệm của đất nước", đồng thời tăng cường giao lưu hỗ trợ các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, thanh niên, đời sống nhân dân.

Tuyên bố này một lần nữa được nhấn mạnh trong cuộc họp song phương ngày 20/6.

Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, phát biểu của ông Tập mang hàm ý Bắc Kinh sẽ chủ động tích cực truyền đạt kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc cho Triều Tiên.

Tờ DongA cho biết thêm, việc hầu hết các quan chức ngoại giao Trung Quốc tháp tùng ông Tập sang Triều Tiên lần này dường như đánh dấu chiến lược ngoại giao hướng sang Triều Tiên của Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại