Mỹ nới lỏng trừng phạt Venezuela để giải phóng thị trường dầu?

Công Thuận |

Mỹ đang xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela để nước này có thể xuất khẩu dầu ra thị trường toàn cầu.

Các công nhân tiến hành khoan dầu ở Lagunillas, gần thành phố Maracaibo ở Venezuela. Ảnh: Reuters

Các công nhân tiến hành khoan dầu ở Lagunillas, gần thành phố Maracaibo ở Venezuela. Ảnh: Reuters

Báo Vedomosti (Nga) mới đây dẫn bình luận của các chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela để tăng nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ không bù đắp cho việc giảm sản lượng dầu từ thỏa thuận của OPEC+.

Trong cuộc họp chính sách ngày 5/10 tại Vienna (Áo), OPEC+đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, bất chấp sự vận động hành lang từ Mỹ.

Nhà phân tích cấp cao Nikita Blokhin của Ngân hàng Alfa nhận định các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ và Venezuela có liên quan trực tiếp đến quyết định trên của OPEC+ và kế hoạch của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga trước cuối năm 2022.

Ông Blokhin lưu ý rằng dầu nặng của Venezuela là lựa chọn thay thế hấp dẫn nhất đối với người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu vì đặc tính của nó gần với dầu Urals của Nga. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ khởi xướng các cuộc đàm phán tiếp theo để chuẩn bị cho việc đưa ra giới hạn giá dầu của Nga vào tháng 12 tới, vốn có thể dẫn đến nguồn cung dầu thô trên thị trường toàn cầu giảm.

Theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Dmitry Rozental, hiện tại, vị thế chính trị của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các đồng minh mạnh hơn nhiều so với năm 2019 và thậm chí cả năm 2021, kể từ khi phe đối lập tan rã, nhưng tình hình kinh tế của nước này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ của họ đang cần các công nghệ và đầu tư của phương Tây, cùng với việc xuất khẩu hợp pháp. Do đó, ông Maduro sẽ quan tâm đến việc Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt, sẵn sàng bình thường hóa với Mỹ trên một số lĩnh vực để đổi lấy "nhượng bộ".

Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng đã cảnh báo rằng nguồn cung dầu của Venezuela có thể có ảnh hưởng hạn chế đến giá cả do sản lượng của nước này đã giảm mạnh sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế, quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt.

Nhà phân tích thị trường hàng hóa tại Otkritie Investment Oksana Lukicheva nghi ngờ rằng ngay cả khi đạt được một số thỏa thuận chính trị với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Mỹ khó có thể bù đắp sự sụt giảm sản lượng cắt giảm của OPEC + với nguồn cung từ Venezuela. "Toàn bộ sản lượng của Venezuela ít hơn so với lượng cắt giảm hạn ngạch của OPEC+", bà Lukicheva nói, lưu ý sản lượng tháng 8 của Venezuela chỉ đạt 0,7 triệu thùng/ngày.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đã phải chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ kể từ năm 2019, khi chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh phương Tây tuyên bố lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó là lãnh đạo hợp pháp của nước này sau cuộc bầu cử mà họ các cáo buộc là có "gian lận trong bỏ phiếu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại