Quyết định của OPEC+
Theo Al Jazeera, quyết định của liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ (nhóm OPEC +) về việc cắt giảm mạnh sản lượng và tăng giá dầu thô đã giáng một đòn mạnh vào các quốc gia tiêu thụ, làm dấy lên cáo buộc rằng các nhà sản xuất vùng Vịnh đang đứng về phía Nga để gây thiệt hại cho Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Nhóm OPEC gồm 13 quốc gia, cùng với 10 đồng minh và đối tác khác (hay còn gọi là OPEC+), đã đồng ý tại một cuộc họp ở Vienna để cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11.
Chính quyền Mỹ - trong nhiều tháng qua đã tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để ngăn cản các đồng minh Trung Đông cắt giảm sản lượng dầu - đã tỏ ra thất vọng trước viễn cảnh giá dầu tăng thêm trước cuộc bầu cử quan trọng giữa nhiệm kỳ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng quyết định của OPEC + là "thiển cận" vì nền kinh tế toàn cầu vẫn đang suy yếu do "tác động tiêu cực kéo dài của cuộc xung đột".
Nhưng OPEC đã bác bỏ cáo buộc đó. Tổng thư ký của nhóm, Haitham al-Ghais, hôm 7/10 cho biết: "Đây không phải là quyết định của một quốc gia chống lại quốc gia khác."
"Tôi muốn nói rõ điều này và đó không phải là quyết định của 2 hoặc 3 quốc gia chống lại một nhóm các quốc gia khác", al-Ghais nói với Al Arabiya TV.
Ả Rập Xê-út, một trong những quốc gia đóng vai trò chính trong OPEC, cũng cho rằng động thái này là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.
Quyền Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait, Mohammed al-Fares, cho biết rằng mặc dù liên minh hiểu mối quan tâm của người tiêu dùng về giá tăng cao, mối quan tâm chính của họ là "duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu". Carole Nakhle, người đứng đầu công ty tư vấn Crystol Energy, phủ nhận lời giải thích này: "Thị trường luôn tự cân bằng, đó là điều cơ bản của sự tương tác giữa cung và cầu".
Phủ nhận cáo buộc
Các nhà phân tích coi động thái này là làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như căng thẳng địa chính trị trong nỗ lực để giữ giá ở mức hiện tại.
Nhà phân tích năng lượng Clyde Russell viết: "OPEC + có lẽ cảm thấy rằng họ có chút thời gian để xem liệu nền kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái hay không và liệu có thể giữ giá dầu thô ở mức mà nhóm coi là đúng 90 USD / thùng hay không".
Phó Chủ tịch Jorge Leon nói với Al Jazeera: "Chúng tôi tin rằng tác động về giá của các biện pháp được công bố sẽ là đáng kể".
Các dự báo đã dự đoán rằng giá dầu sẽ giảm vào cuối năm nay, nhưng sau quyết định của OPEC +, giá dầu Brent hiện có thể đạt hơn 100 USD/thùng vào tháng 12, tăng so với mức 89 USD/thùng trước đó.
Washington đã tỏ ra không hài lòng khi Ả Rập Saudi ủng hộ động thái trái ngược với lợi ích an ninh dài hạn của Riyadh và làm suy yếu lợi thế của ông Biden trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
Ngoài ra, Nga có thể được hưởng lợi từ giá dầu cao, điều cho đến nay đã cho phép Điện Kremlin chịu được cú sốc từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Quyết định của OPEC + được đưa ra một ngày sau khi các đại sứ EU đồng ý áp một đợt trừng phạt kinh tế mới đối với Nga, bao gồm giới hạn giá bán dầu của Nga và lệnh cấm đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu thô trong những tháng tiếp theo.
Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế về Trung Đông-Bắc Phi, cho rằng các quốc gia vùng Vịnh không có ý định liên kết với Nga.
"Thật không công bằng khi nói rằng họ đứng về phía Nga - họ đang đứng về phía chính họ", Esfandiary nói.