Người nhập cư "Dreamer" xếp hàng bên ngoài một văn phòng tư vấn về quyền nhập cư tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phán quyết trên của tòa án tái khẳng định phán quyết hồi tháng 7/2021 của một thẩm phán liên bang nhằm ngăn chặn Chương trình tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất những người đến Mỹ từ nhỏ (DACA), còn gọi là thế hệ "Dreamer".
Với phán quyết này, khoảng 600.000 người hiện đăng ký nhập cư theo chương trình vẫn duy trì được tình trạng của họ, song những đơn xin nhập cư mới sẽ không có hiệu lực. Chính sách về DACA sẽ được xem xét tại một tòa án cấp thấp hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng về phán quyết trên của tòa án, đồng thời cho rằng Quốc hội Mỹ nên thông qua một đạo luật cho phép DACA là chính sách dài hạn. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cũng không hài lòng về phán quyết.
Trong một tuyên bố, ông nêu rõ: "Tôi thất vọng sâu sắc trước phán quyết của tòa án về DACA và bất ổn mà phán quyết này tạo ra đối với các gia đình và cộng đồng trên toàn nước Mỹ". Ông Mayorkas cho biết bộ trên đang xem xét phán quyết của tòa án và sẽ làm việc với Bộ Tư pháp để đưa ra phản ứng pháp lý phù hợp.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã cố gắng hủy bỏ DACA, vốn bảo vệ khoảng 649.000 người nhập cư trái phép (chủ yếu sinh ra tại Mexico và các nước Mỹ Latinh) khỏi nguy cơ bị trục xuất và đủ điều kiện làm việc trong 2 năm. Tuy nhiên, đến tháng 6/2020, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ DACA, cho rằng động thái hủy bỏ DACA của Tổng thống Trump là trái luật.
Các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cũng thúc đẩy một dự luật sẽ cho phép giải quyết vĩnh viễn quy chế của những thế hệ Dreamer. Mặc dù vậy, các chính sách nhập cư lâu nay vẫn bị bế tắc tại Quốc hội do vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.