Mỹ muốn đứng đầu
Ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn đảm bảo kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải "đứng hàng đầu" và cho rằng Mỹ đã bị tụt hậu về năng lực hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, ông Trump cho biết ông muốn thấy một thế giới không có vũ khí hạt nhân song lại bày tỏ lo ngại rằng nước Mỹ "đã tụt hậu về năng lực vũ khí hạt nhân".
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn hãng Reuters tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 23/2
Ông nói: "Tôi là người đầu tiên muốn thấy không một nước nào có vũ khí hạt nhân, song chúng ta sẽ không bao giờ tụt lại sau bất kỳ nước nào cho dù đó là một nước thân thiện, chúng ta sẽ không bao giờ tụt hậu về sức mạnh hạt nhân".
Ông nói tiếp: "Sẽ là một giấc mơ tuyệt vời rằng không có nước nào có vũ khí hạt nhân, song nếu các nước sẽ có vũ khí hạt nhân thì chúng ta sẽ phải ở hàng đầu trong nhóm".
Đây là những phát biểu chính thức đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ về kho vũ khí hạt nhân của nước này kể từ khi lên nhậm chức ngày 20/1. Trước đó, trên trang Tweet hồi tháng 12/2016, ông Trump cho rằng nước Mỹ phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân "cho tới khi thế giới đạt được những nhận thức về hạt nhân".
Một số nguồn công khai hiện đánh giá Nga đang có 7.000 đầu đạn hạt nhân và Mỹ có 6.800 đầu đạn hạt nhân.
Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí- một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, nói: "Nga và Mỹ có lượng vũ khí nhiều hơn rất nhiều mức cần thiết để ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân do nước kia hay một nước nào khác có vũ khí hạt nhân tiến hành".
Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược mới, được gọi là START Mới, giữa Mỹ và Nga yêu cầu tới ngày 5/2/2018 cả hai nước phải giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình ở mức ngang bằng nhau trong 10 năm.
Hiệp ước cho phép cả hai nước có không quá 800 tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được triển khai và không được triển khai, bao gồm cả các bệ phóng và máy bay ném bom hạng nặng có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Topol-M của Nga
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Trump gọi START Mới là "thỏa thuận phiến diện". Ông nói: "Chỉ là một thỏa thuận tồi tệ mà nước này (Mỹ) đã làm, liệu nó có là START, liệu nó có là thỏa thuận Iran… Chúng tôi sẽ bắt đầu tạo ra những thỏa thuận có ích lợi".
Mỹ đang tiến hành việc hiện đại hóa các tên lửa trên đất liền, máy bay ném bom và tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo đã cũ kỹ của mình trị giá 1 nghìn tỷ USD kéo dài trong 30 năm.
Ông Trump cũng than phiền rằng việc Nga triển khai các tên lửa hành trình tấn công trên mặt đất là sự vi phạm Hiệp ước 1987 cấm các tên lửa tầm trung của Nga và Mỹ trên mặt đất.
Khi được hỏi liệu ông có nêu vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump cho biết sẽ làm thế "nếu khi nào chúng tôi gặp nhau". Ông cho biết ông hiện chưa có kế hoạch gặp ông Putin.
Ông Trump cũng bày tỏ quan ngại về các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và cho biết việc xúc tiến một hệ thống phòng thủ tên lửa cho các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc là một trong nhiều lựa chọn hiện có.
Ông Trump không hoàn toàn bác bỏ khả năng gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào một thời điểm nào đó trong tương lai tùy theo hoàn cảnh cụ thể, song cho rằng có thể sẽ quá muộn.
Ông nói: "Quá muộn. Chúng tôi rất tức giận trước những gì ông ta làm và thẳng thắn mà nói điều này lẽ ra đã phải được quan tâm từ thời Chính quyền Obama".
Đối tượng răn đe
Phát biểu của Tổng thống Mỹ dường như nhằm vào đối tượng chính là Triều Tiên chứ không phải Nga hay Trung Quốc. Lời kêu gọi của ông Trump được đưa ra sau khi trang Stratfor của nước này hôm 20/2 cảnh báo Triều Tiên lâu nay vẫn nỗ lực phát triển khả năng đánh chặn toàn diện bằng vũ khí hạt nhân, và nước này đang đạt được nhiều tiến bộ.
Ngày 12/2, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2, chứng tỏ rằng mục tiêu từng một thời xa vời của họ giờ đã trở thành hiện thực. Trên thực tế, gần đây Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử tên lửa và hạt nhân, khiến nhiều đối thủ phải quan ngại.
Theo Stratfor, không có chuyện Triều Tiên sẽ sớm từ bỏ chương trình hạt nhân của mình dù tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho mình. Trong bối cảnh đó, các cường quốc khu vực và toàn cầu buộc phải điều chỉnh chiến lược quân sự để thích nghi.
Hình ảnh vụ phóng thử tên lửa hôm 12/2 được Triều Tiên công bố
Vụ thử tên lửa Pukkuksong-2 được xem là đã thành công phần nào. Tên lửa này, được nâng cấp từ tên lửa đạn đạo có độ tin cậy khá cao Pukkuksong-1, đã bay được lên độ cao khoảng 550 km và bay xa 500 km. Nếu bay tầm thấp hơn, tầm bắn của tên lửa này có thể lên tới 2.000 km.
Stratfor đánh giá chương trình tên lửa Pukkuksong-2 thực sự rất đáng sợ đối với các đối thủ của Bình Nhưỡng. Năm ngoái, Triều Tiên tập trung vào thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, song các vụ thử hầu hết đã thất bại.
Tuy nhiên, Pukkuksong-2 có ưu điểm vượt trội hơn Musudan về tính cơ động, tốc độ phóng và sự linh hoạt, chỉ kém hơn về tầm bắn.
Những tên lửa tối tân của Triều Tiên đang buộc Mỹ và các đồng minh khu vực phải có phản ứng. Hàn Quốc là quốc gia bị đe dọa nhiều nhất. Seoul chỉ cách Bình Nhưỡng 195 km, và không những nằm trong tầm bắn của kho vũ khí thông thường của Bình Nhưỡng, mà còn dễ trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân.
Mỹ lo ngại sự khó lường từ Triều Tiên hơn Nga?
Không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể dễ dàng tấn công Hàn Quốc bằng máy bay hoặc tên lửa. Để đề phòng một vụ tấn công như vậy, Hàn Quốc sẽ phải củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì vì Triều Tiên có quá nhiều tên lửa để tấn công Hàn Quốc nếu họ muốn.
Pukkuksong-2 cũng là một mối đe dọa đối với Nhật Bản. Tầm bắn của tên lửa này đủ xa để có thể tấn công bất kỳ khu vực nào ở Nhật Bản. Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, song Tokyo cũng nhận thức rằng phòng thủ tên lửa chỉ là một phần của nhóm giải pháp đối với vấn đề Triều Tiên.
Stratfor đánh giá Bình Nhưỡng rõ ràng đang quyết tâm phát triển một kho vũ khí hạt nhân toàn diện để làm công cụ răn đe. Mỹ và các đồng minh gần như không có phương án nào khác ngoài việc phải đầu tư tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, trong trường hợp Triều Tiên được xác định là sắp tiến hành một vụ tấn công, các nước này cũng sẽ phải tìm kiếm phương án chặn trước để vô hiệu hóa tên lửa của Triều Tiên trước khi chúng được phóng.