Nguồn gốc máy bay T-50A
Trong buổi ra mắt máy bay T-50A, sản phẩm liên doanh giữa Lockheed Martin (Mỹ) và KAI (Hàn Quốc) tại cơ sở của Lockheed Martin ở Greenville, Nam Carolina có nhiều đại diện quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cùng với các quan chức Hàn Quốc.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói: "Khi chúng ta chọn mua chiếc máy bay này, chúng ta đã gửi một thông điệp cho Bắc Triều Tiên rằng: Mỹ không chỉ có mặt ở Hàn Quốc, chúng ta còn là đồng minh tin cậy, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lẫn nhau".
T-50 Golden Eagle hay tên đầy đủ là KAI TA-50 là một máy bay huấn luyện/tấn công hạng nhẹ siêu âm được Hàn Quốc-Mỹ hợp tác thiết kế chế tạo vào đầu thế kỷ 21. Nó được phát triển bởi Korean Aerospace Industries (KAI) cùng với sự hợp tác của Lockheed Martin.
Chiếc máy bay này dựa trên nền tảng máy bay T-50, được sử dụng bởi Không quân Hàn Quốc cũng như không quân một số nước khác trên thế giới. Theo Lockheed Martin, dự án máy bay huấn luyện này sẽ được chế tạo theo các tiêu chuẩn của Không quân Mỹ.
"Việc mua máy bay T-50A sẽ là một phần của thông điệp về tinh thần đoàn kết của Mỹ đối với Hàn Quốc; đồng thời cũng tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân Nam Carolina", Ông Wilson đại diện của tập đoàn Lockheed Martin phát biểu.
Đe Triều Tiên hay vì lợi ích kinh tế?
Trong thời gian vừa qua, việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, dẫn đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn căng thẳng.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch đưa tàu sân bay Carl Vinson Nimitz cùng với tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Lake Champlain và hai tàu khu trục tới khu vực, làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng thêm nóng hơn bất cứ lúc nào.
Máy bay T-50A
Hiện nay quân đội Mỹ đã tiến hành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, gây nên sự phản đối gay gắt của Triều Tiên, Trung Quốc cũng như chính trong dư luận Hàn Quốc.
Việc quân đội Mỹ xem xét dùng máy bay T-50A của Hàn Quốc làm máy bay huấn luyện phi công chiến đấu có phải là một "thông điệp cứng rắn" gửi đến Triều Tiên để khẳng định mối quan hệ đồng minh thân thiết "cao nhất mọi thời đại" như lời ông nghị Graham nói hay chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế.
Ông Orlando Carvalho, phó chủ tịch phụ trách về hàng không của Lockheed Martin nói: "Nếu Lockheed Martin giành chiến thắng trong chương trình này, Lockheed Martin sẽ bố trí đủ nguồn vốn để tiến hành sản xuất loạt và có thể giao hàng cho lực lượng không quân Mỹ vào năm 2022".
Việc không quân Mỹ chọn T-50A làm máy bay huấn luyện phi công; đây là điều khẳng quân đội sử dụng hiệu quả tiền thuế của những người dân Mỹ, ông Carvalho nói thêm.
Hiện tại việc thử nghiệm phát triển máy bay T-50A đã hoàn tất, tuy nhiên những chuyến bay thử nghiệm của loại máy bay này vẫn tiếp tục tại Greenville (Mỹ) cho đến thời điểm cuối tháng 6, sau đó toàn bộ hồ sơ về tính năng kỹ, chiến thuật sẽ được đệ trình nên Bộ tư lệnh Không quân Mỹ.
Máy bay T-50A là máy bay huấn luyện được chọn để thay thế máy bay huấn luyện T-38 đã cũ trong quân đội Mỹ.
Đây là gói thầu lớn với số lượng đơn đặt hàng lên tới 350 chiếc; gói thầu này đã thu hút nhiều công ty lớn của Mỹ cũng như các liên doanh như Lockheed (Mỹ)/ KAI (Hàn Quốc), Boeing/Saab, Leonardo DRS, Sierra Nevada, Stavetti Aerospace Ltd.
Trong những hồ sơ tham gia dự thầu này, đáng chú ý là liên doanh giữa tập đoàn Boeing của Mỹ và hãng SAAB của Thụy Điển giới thiệu nguyên mẫu máy bay huấn luyện kiêm cường kích hạng nhẹ T-X với nhiều tính năng hiện đại và có thể trở thành đối thủ trực tiếp của T-50A.
Việc máy bay T-50A được đưa vào danh sách lựa chọn làm máy bay huấn luyện phi công chiến đấu của không quân Mỹ cũng nhằm đáp ứng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm qua. Đây là một mẫu máy bay huấn luyện tiên tiến nhưng có giá cả phải chăng.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ngân sách quốc phòng được hứa hẹn tăng thêm, điều này sẽ giúp việc đẩy nhanh việc thay thế đội máy bay huấn luyện đã già cỗi và thiết hụt của quân đội Mỹ
Việc Quốc hội Mỹ quyết định mua máy bay T-50A cũng là để bảo đảm quyền lực mềm của các mối quan hệ ngoại giao cũng như giữ lại việc làm trong nước như thông điệp của Tổng thống Trump. Việc tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với quân đội được trang bị những vũ khí tốt hơn.
Máy bay T-50A.
Ông Graham phát biểu trước Ủy ban Quân lực lưỡng viện: "Chúng ta cần có những lựa chọn dứt khoát và khôn ngoan để trang bị lại cho quân đội, trong đó việc thay thế loại máy bay huấn luyện đã có tuổi đời lên tới 50 năm là một điều dứt khoát phải nên làm.
Tôi thực sự nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, nếu chúng ta muốn giúp Hàn Quốc đứng vững trước đối thủ (Bắc Triều Tiên) cũng như sử dụng có giá trị tiền thuế của người dân Mỹ thì hãy chọn máy bay phản lực này".
Lockheed Martin cho biết, sẽ có nhiều lợi ích nếu Không quân Mỹ lựa chọn T-50A vì các nước như Iraq và Philippines hiện đang sử dụng các phiên bản khác nhau của máy bay T-50. Điều này sẽ rất hữu ích không chỉ cho không quân Mỹ mà còn có lợi thế xuất khẩu loại máy bay phản lực hạng nhẹ này trong tương lai.
Hiện nay gói thầu lựa chọn máy bay huấn luyện phi công quân sự đang chờ quyết định về chuyên môn của Không quân Mỹ (cũng là nhân tố quyết định).
Trong khi đó Lockheed Martin cũng đang chuẩn bị chuyển nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon từ Forth Worth bang Texas đến Greenville; đây cũng là nơi dự kiến thực hiện các công đoạn cuối cùng trong việc lắp ráp máy bay T-50A.
Bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất mới ở Greenville, Lockheed Martin đã tạo ra khoảng 250 việc làm mới, trong đó có hai sản phẩm chủ lực là máy bay T-50A và máy bay F-16 Fighting Falcon trong một hợp đồng cung cấp loại máy bay này cho Bahrain, một quốc gia đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.
Hiện nay, việc mua sắm các gói vũ khí của quân đội Mỹ phải được Quốc hội Mỹ thông qua, do vậy việc thông qua các quyết định của Quốc hội đang chịu tác động rất nhiều vào việc vận động hành lang của các các nhóm lợi ích; trong đó có cả những nghị sĩ đại diện quyền lợi cho các công ty, tập đoàn.
Bên cạnh đó, vận động hành lang cũng không thật sự công bằng và tích cực khi chính sách quốc gia bị tác động bởi một nhóm thiểu số công dân có quyền lực và sức mạnh về tài chính.
Việc Quốc hội Mỹ lựa chọn việc mua máy bay T-50A làm máy bay huấn luyện phi công chiến đấu cũng chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế của Mỹ chứ cũng không phải là những "thông điệp cứng rắn" như tuyên bố gây sốc của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham; nhất là khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ở trong tình trạng căng thẳng như hiện nay.