Mỹ lại điều UAV tới Biển Đen nhưng tránh xa Crimea 100km

Thùy Dương |

Quân đội Mỹ đã điều một máy bay không người lái (UAV) do thám khác ra Biển Đen vào ngày 17/3, nhưng tránh xa không phận bị hạn chế mà trước đó, một chiếc UAV MQ-9 Reaper mới bị rơi sau khi chạm trán với máy bay chiến đấu Nga.

Mỹ lại điều UAV tới Biển Đen nhưng tránh xa Crimea 100km - Ảnh 1.

Chiếc RQ-4 Global Hawk tại Căn cứ Sigonella, Italy năm 2018. Ảnh: AP

Theo đài RT, các trang web theo dõi chuyến bay cho thấy một UAV có tên liên lạc là Forte10, được xác định là RQ-4 Global Hawk, bay vòng quanh không phận Romania rồi bay về phía Nam và phía Đông. UAV này bay vòng qua phần phía Đông của Biển Đen, nhưng chưa bao giờ đến gần Crimea dưới 100 km.

Một người quan sát cho biết trên Twitter rằng thời gian bay trên Biển Đen của UAV này chỉ là hai giờ, thay vì 12 giờ như thường lệ. Người này bình luận: “Đây chắc chắn là tuyến đường kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy RQ-4 thực hiện”.

Các quan chức Mỹ giấu tên sau đó đã xác nhận sứ mệnh này với hãng tin Reuters, nói rằng đây là chuyến bay đầu tiên như vậy kể từ sự cố rơi chiếc MQ-9 Reaper ngày 14/3. Tuy nhiên, trước đó, Lầu Năm Góc cho biết một UAV khác đã được điều đi để giám sát hoạt động trục vớt xác chiếc MQ-9 mà Hải quân Nga có thể thực hiện.

Về sự cố của MQ-9 Reaper, Lầu Năm Góc đã tung video ghi lại hình ảnh máy bay Nga xả nhiên liệu vào chiếc UAV của Không quân Mỹ và làm gãy một phần cánh quạt của UAV này khi nó bay trong không phận quốc tế trên Biển Đen.

Theo đoạn video dài 42 giây này, một chiếc Su-27 của Nga tiếp cận phía sau chiếc MQ-9 và bắt đầu xả nhiên liệu khi UAV bay qua

Xem video do Lầu Năm Góc công bố:

Mỹ lại điều UAV tới Biển Đen nhưng tránh xa Crimea 100km

Theo quân đội Mỹ, ở lần tiếp cận thứ hai, chính chiếc máy bay đó hoặc một máy bay chiến đấu khác của Nga đang theo dõi chiếc MQ-9 đã va vào cánh quạt của UAV này, làm hỏng một phần.

Quân đội Mỹ cho biết họ đã cho hạ cánh khẩn cấp chiếc MQ-9 Reaper trên mặt biển. Họ cho rằng máy bay chiến đấu của Nga đã chặn UAV một cách không an toàn.

Đoạn video do Lầu Năm Góc công bố không cho thấy các sự kiện trước hoặc sau khi máy bay Nga xả nhiên liệu xuống chiếc UAV.

Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết vụ việc xảy ra lúc 7 giờ 3 phút sáng 14/3 giờ Trung Âu trên vùng biển quốc tế và cách xa Ukraine. Ông nói các máy bay Nga đã bay gần chiếc UAV Mỹ trong 30 đến 40 phút. Ông Ryder cho biết thêm rằng dường như không có liên lạc nào giữa hai bên trước khi va chạm.

Về phần mình, Nga cho biết các máy bay chiến đấu đã không tấn công UAV Mỹ và tuyên bố UAV này đã rơi sau khi đột ngột chuyển hướng trên biển.

Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các chuyến bay nhằm thu thập thông tin tình báo của Mỹ gần Bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014.

Các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự hàng đầu của Mỹ và Nga đã điện đàm, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Ngày 16/3, quân đội Mỹ cho biết rằng họ đang cân nhắc chi phí và lợi ích của các hoạt động tiếp theo của UAV và xem xét kỹ lưỡng các tuyến đường bay giảm nguy cơ xảy ra nhiều sự cố hơn.

Mỹ đã thừa nhận cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo, giám sát và do thám trong cuộc xung đột với Nga, khẳng định nước này không tham gia vào các hành động thù địch. Máy bay do thám của Mỹ và NATO thường xuyên bay qua Biển Đen và tiếp cận Crimea, đôi khi ngay trước khi lực lượng Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào bán đảo này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại