Mỹ lại chọc giận Nga - Trung

Xuân Mai |

Washington bị chỉ trích khi trừng phạt các công ty tham gia dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức.

Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2020 vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hôm 20-12 có các điều khoản nhạy cảm nhằm vào Trung Quốc và Nga.

Trong quan hệ với Trung Quốc, NDAA tập trung vào cái tên gây tranh cãi Huawei. Cụ thể, đạo luật dựng lên nhiều rào cản mà Bộ Thương mại Mỹ phải vượt qua trước khi có thể đưa Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei ra khỏi danh sách đen. Chẳng hạn như luật đòi hỏi bộ này phải bảo đảm "các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Huawei" không còn trước khi dỡ bỏ trừng phạt công ty này. Một nội dung nóng khác là Đài Loan. Đáng chú ý, NDAA cho phép chính phủ Mỹ hợp tác với Đài Loan trong những lĩnh vực bảo mật mạng, tập trận quân sự bắn đạn thật, mua bán vũ khí, hỗ trợ nhân đạo…

Các nhà phân tích cho rằng vấn đề kiềm chế Trung Quốc sẽ còn được đưa vào các luật thương mại và an ninh khác trong bối cảnh Washington vẫn còn lo ngại về Bắc Kinh trong những vấn đề như tấn công mạng, đánh cắp tài sản trí tuệ và xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông. "Chúng ta gần như sẽ thấy Mỹ nhắm vào Trung Quốc nhiều hơn bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11-2020" - ông Joshua Eisenman, chuyên gia tại Trường ĐH Notre Dame (Mỹ), nhận định với tờ South China Morning Post.

Không chỉ chọc giận Bắc Kinh, NDAA còn khiến Moscow đứng ngồi không yên khi có nội dung áp đặt trừng phạt các công ty tham gia dự án xây dựng đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" từ Nga sang Đức. Cụ thể, đạo luật mới yêu cầu chính quyền Mỹ xác định các công ty tham gia dự án trong vòng 60 ngày để kích hoạt trừng phạt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 21-12 cáo buộc Mỹ đang cản trở thương mại toàn cầu. Đức cũng chỉ trích Washington can thiệp vào công việc nội bộ của mình trong khi Liên minh châu Âu phản đối việc trừng phạt các công ty châu Âu đang làm ăn hợp pháp.

Trước mắt, Công ty Allseas (Hà Lan - Thụy Sĩ) hôm 21-12 thông báo dừng các hoạt động liên quan đến dự án này nhằm tránh lệnh trừng phạt của Washington.

Là công ty chuyên về xây dựng và lắp đặt đường ống dưới biển, sự tham gia của Allseas đóng vai trò quan trọng đối với dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Theo Reuters, thời điểm hoàn thành dự án trị giá 11 tỉ USD này giờ đây không còn chắc chắn, từ đó đe dọa đến kế hoạch của Moscow là nhanh chóng tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu thông qua đường ống dẫn khí mới.

Không dừng lại ở đó, NDAA còn nhằm vào cả Nga và Trung Quốc khi cấp ngân sách ban đầu để Lầu Năm Góc lập lực lượng không gian nhằm duy trì sự thống trị của Washington tại "chiến trường mới" này. Trong một báo cáo đầu năm nay, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc và Nga đều đã phát triển năng lực không gian "mạnh mẽ" để phục vụ hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát.

Cũng theo báo cáo này, Nga và Trung Quốc đang tìm cách khai thác điều mà họ xem là sự phụ thuộc của Mỹ vào các hệ thống trên không gian, cũng như thách thức vị thế của Washington trên không gian. Chẳng hạn như Trung Quốc từng chứng tỏ có thể bắn hạ vệ tinh bằng tên lửa phóng từ trái đất hồi năm 2007.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại