Mỹ không mong hiện diện quân sự thường xuyên ở Cam Ranh

An Nhiên |

Washington không tìm kiếm một căn cứ quân sự ở Cam Ranh sau khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Tại một hội thảo ở Washington DC do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 9/6, trả lời câu hỏi ý định của Mỹ tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho hay một vài thông tin đã bị thổi phồng trên báo chí và một số thông tin hoàn toàn không có cơ sở thực tế.

Ông Osius nhấn mạnh rằng Mỹ tôn trọng chính sách “Ba không” của Việt Nam: không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự và không dựa vào nước này để chống lại nước khác.

Mỹ không mong hiện diện quân sự thường xuyên ở Cam Ranh - Ảnh 1.

Toàn cảnh cảng quốc tế Cam Ranh

Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, cần làm rõ hai điều liên quan tới Vịnh Cam Ranh. Trước tiên, đó là một cảng quốc tế và mở cửa cho các dịch vụ. Các nước có thể sử dụng các dịch vụ như Singapore và Nhật Bản đã làm khi đưa tàu đến đó. 

"Cam Ranh là nơi các tàu có thể được tiếp nhiên liệu, sửa chữa. Các dịch vụ là mở và tôi hi vọng chúng ta có thể tận dụng các dịch vụ", ông Osius nói.

Về khía cạnh quân sự, ông Osius nhấn mạnh rằng Mỹ hoàn toàn không có ý định tiếp cận căn cứ hải quân Cam Ranh, không luân chuyển hay đặt căn cứ tại đây.

Ông Osius đã nhắc lại tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. 

“Thứ trưởng Blinken trong chuyến thăm Việt Nam ngay trước chuyến công du của Tổng thống Obama đã nói rõ rằng Mỹ không muốn và không tìm kiếm việc đặt các căn cứ tại Việt Nam”.

Còn nhớ, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tạp chí Foreign Policy của Mỹ vừa có bài viết mang tựa đề “Washington’s honeymoon in Cam Ranh Bay” (tạm dịch: “Tuần trăng mật của Washington ở vịnh Cam Ranh”).

Bài viết của Foreign Policy nhận định, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong chuyến thăm này của ông Obama là khả năng Việt Nam mở cửa cảng Cam Ranh rộng hơn cho hải quân Mỹ.

Một thỏa thuận như vậy, nếu có, sẽ cho phép hải quân Mỹ hiện diện thường xuyên hơn ở Biển Đông. Sự hiện diện này là điều bắt buộc, nếu Mỹ muốn duy trì tự do hàng hải ở một vùng biển nơi một phần lớn diện tích bị Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi”.

Việc Mỹ cử tàu hải quân tới vùng biển có tranh chấp và máy bay tới vùng trời phía trên vùng biển này, cũng đồng nghĩa với tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.

Theo Foreign Policy, đó là một tuyên bố mà các quốc gia có biển cần phải đưa ra một cách thường xuyên, để bảo vệ quyền tự do hàng hải vốn phải khó khăn lắm mới giành được.

Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc dự đoán, các tàu chiến Mỹ sẽ sớm hay muộn được phép vào vịnh Cam Ranh, một cảng nước sâu từng được sử dụng như một căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc nói, Bắc Kinh sẽ không phản hồi theo cách "ăn miếng trả miếng" nhưng sẽ tiếp tục xây dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, trong khi gây áp lực với Hà Nội không đến quá gần Washington.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mở cửa cho tất cả các nước sử dụng dịch vụ hậu cần ở cảng Cam Ranh. Nhiều tàu quân sự của các nước như Nhật, Pháp, Anh... đã lần lượt tới thăm cảng quốc tế Cam Ranh. Mới đây, Việt Nam cũng hai lần lên tiếng mời tàu Trung Quốc vào cảng Cam Ranh, giống như tàu của các quốc gia khác.

"Việt Nam đang tìm hiểu quy trình mua bán vũ khí của Mỹ"

Liên quan tới câu hỏi Việt Nam có thể mua vũ khí gì của Mỹ sau khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn mới đây, Đại sứ Ted Osius cho rằng những vũ khí đầu tiên mà Hà Nội muốn mua từ Mỹ có thể là các trang thiết bị nhằm giúp tăng cường năng lực hàng hải.

"Chúng tôi đã nhận được một số đề nghị từ quân đội Việt Nam và có thể có thêm những đề nghị trong thời gian tới. Nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ ngay lập tức mua nhiều vũ khí của Mỹ.

Quá trình này diễn ra chậm, được cân nhắc kỹ và Việt Nam sẽ đưa ra quyết định dựa trên lập trường chiến lược để có được phương án tốt nhất.

Những ai nghĩ rằng việc này diễn ra ngay tức thì, dồn dập thì đã sai. Phải cần thời gian vì quy trình bán vũ khí của chúng ta khá phức tạp và Việt Nam đang tìm hiểu quy trình vận hành của hệ thống này".

"Mối quan tâm về việc cùng hợp tác sản xuất vũ khí quốc phòng cũng đã được nhắc tới tuyên bố tầm nhìn chung về các mối quan hệ quốc phòng mà hai nước ký kết hồi tháng 6/2015. Vì vậy, tôi cho rằng việc mua bán vũ khí sẽ diễn ra từ từ, kiên trì và từng bước", ông Osius nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại