Đây là vụ thử tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng trong tháng này, cho thấy tần suất phóng thử lớn và hiếm gặp trong những năm trở lại đây. Vụ phóng diễn ra ngay sau lời kêu gọi ngừng khiêu khích từ phía Mỹ.
Tên lửa hành trình Triều Tiên khai hỏa (trái) và trên đường bay trong ảnh được công bố tháng 9/2021. Ảnh: KCNA.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời Tham mưu trưởng Liên quân nước này cho biết, Triều Tiên hôm nay (25/1) đã phóng 2 vật thể bay được cho là tên lửa hành trình. Quân đội Hàn Quốc đang đánh giá, phân tích vụ việc.
Vụ phóng này là vụ phóng tên lửa thứ 5 trong tháng của Triều Tiên, diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa và hòa bình của trên Bán đảo Triều Tiên bế tắc trong một thời gian dài.
Vụ phóng còn có được coi hành động cụ thể cho tuyên bố mới đây của Triều Tiên về ý định nối lại chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các vụ thử hạt nhân "gây tranh cãi" trước đây, nhằm củng cố năng lực cho "cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ. Nó diễn ra giữa lúc Mỹ cũng đang mất dần niềm tin vào nỗ lực phi hạt nhân hóa sau 4 vụ phóng tên lửa gần nhất.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhận định: "Chúng ta biết rằng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Những thực tế này không cần phải bàn cãi. Hành vi trái pháp luật của Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Những vụ phóng này chứng tỏ quyết tâm của Triều Tiên theo đuổi các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bằng mọi giá".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lee Sang-min của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong tháng này cũng có thể nhằm mục đích ngược lại, nhằm tạo căng thẳng và thúc đẩy chính quyền Biden đưa ra một chiến lược mới trong vấn đề Triều Tiên.
Theo chuyên gia này, tên lửa hành trình chậm hơn tên lửa đạn đạo và do đó được coi là ít mối đe dọa hơn, nhưng chúng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, điều mà Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Thực tế, các vụ phóng tên lửa hành trình của Triều Tiên không bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng, quốc gia đã bất chấp sự lên án của quốc tế và tiến hành 4 đợt thử tên lửa đạn đạo, lần gần đây nhất vào ngày 17/1.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra sau ít giờ đồng hồ khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đưa ra lời kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích và quay trở lại bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp tránh leo thang căng thẳng.
Theo ông Kirby, Washington vẫn quan ngại trước chính sách thúc đẩy phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nhưng nhắc lại rằng Mỹ sẵn sàng nối lại các vòng đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện kèm theo.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc, quốc gia láng giềng của Triều Tiên, tham gia các nỗ lực nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Cuối tuần qua, Lầu Năm Góc cũng đã khẳng định Mỹ tiếp tục tin tưởng "ngoại giao là con đường tốt nhất" để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên./.