Mỹ hợp lực tung đòn THAAD ở Israel, Nga gây sốc khi rút lại lời hứa giao S-300 cho Syria?

Quốc Vinh |

Tổng thống Putin được cho là đã chấp nhận ngừng giao quyền kiểm soát hệ thống phòng không S-300 cho Syria sau cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu tuần trước.

Mỹ hợp lực tung đòn THAAD ở Israel, Nga gây sốc khi rút lại lời hứa giao S-300 cho Syria? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Nga đảo ngược ý định về S-300?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc Moscow sẽ ngừng chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho quân đội Syria và sẽ thành lập một nhóm chung với Tel Aviv để rút lực lượng nước ngoài ra khỏi quốc gia bị chiến tranh tàn phá, các nguồn tin chính trị cho biết.

Cũng trong cuộc họp tại Moscow vào thứ Tư tuần trước, ông Putin cũng cam kết cho phép Israel hoạt động tự do ở Syria, tờ Asharq Al-Awsat dẫn các nguồn tin của Tel Aviv tiết lộ.

Trước đó Nga đã đưa các hệ thống phòng không S-300 tiên tiến tới Syria, gây ra những lo ngại cho rằng chúng có thể được sử dụng để chống lại máy bay chiến đấu của Israel. Tuy nhiên, theo các đánh giá tình báo ban đầu, phía Nga cũng như đồng minh Damascus hiện chưa cho triển khai vũ khí phòng không này.

Hôm 4/5, tờ Maariv tuyên bố đã nhận được thông tin về các cam kết của ông Putin gửi cho ông Netanyahu từ văn phòng của Thủ tướng Israel, liên quan đến việc Nga có thể ngừng chuyển giao S-300 cho Syria.

Các thông tin này xác nhận rằng, thỏa thuận đầu tiên được cam kết giữa các nhà lãnh đạo Nga và Israel là việc quân đội Syria sẽ không kiểm soát hệ thống phòng không S-300, vốn đã được thiết lập ở miền Bắc Syria và sẽ bị cấm sử dụng đơn phương đối với máy bay chiến đấu của Israel.

Hiện chưa rõ thông tin này là chính xác hay không. Nếu là sự thật, đây có thể là một bước đi đảo ngược gây bất ngờ của Nga với cả đồng minh Damascus và Iran.

Đối với thỏa thuận thứ hai, nhà phân tích quân sự Tal Lev-Ram của Maariv nói rằng nó liên quan đến sự hiện diện của lực lượng Iran ở Syria. Theo các thỏa thuận đạt được giữa ông Netanyahu và ông Putin, người Nga sẽ không gây áp lực để buộc lực lượng Iran rút khỏi Syria, nhưng sẽ giữ "tiêu chuẩn kép" để bảo vệ lợi ích của họ.

Vào ngày 3/3, Thủ tướng Israel đã nói với nội các của mình rằng ông đã tái khẳng định với Nga về việc Tel Aviv sẽ không cho phép quân đội Iran cố thủ ở Syria và sẽ tiếp tục hành động quân sự chống lại nước này.

Mỹ lần đầu đưa THAAD đến Israel

Mỹ hợp lực tung đòn THAAD ở Israel, Nga gây sốc khi rút lại lời hứa giao S-300 cho Syria? - Ảnh 2.

Hình ảnh Mỹ chuyển giao THAAD cho Israel lần đầu tiên.

Trong một diễn biến khác, quân đội Hoa Kỳ đã lần đầu tiên chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cho Israel, tờ RT đưa tin hôm 4/3. Việc triển khai là một phần của cuộc tập trận chung và nhằm mục đích thể hiện cam kết tiếp tục của Mỹ đối với an ninh khu vực của Israel.

Các hệ thống tiên tiến đã được triển khai tới Israel vào đầu tháng 3, theo tiết lộ của các quan chức quân đội Mỹ và Israel. THAAD - hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối - sẽ đóng ở phía Nam đất nước, cùng với khoảng 200 quân nhân Mỹ.

"Trong quá trình triển khai, các thành viên dịch vụ của chúng tôi sẽ làm việc tại các địa điểm khác nhau ở Israel và sẽ thực hiện quy trình vận hành để tăng cường kiến trúc phòng không và tên lửa hiện có của Israel", Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng động thái này đóng vai trò như một minh chứng cho cam kết tiếp tục của Mỹ đối với an ninh khu vực của Israel.

Cảnh quay tại hiện trường cho thấy các bệ phóng THAAD và các phương tiện khác được dỡ xuống từ các máy bay vận tải quân sự tại căn cứ không quân Nevatim, bên cạnh sự xuất hiện của các nhân viên quân sự Mỹ.

THAAD là một hệ thống được chế tạo đặc biệt để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm trung gian trong giai đoạn cuối của chúng với cách tiếp cận trực tiếp.

Việc triển khai đã được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khen ngợi, ông nói rằng các hệ thống này sẽ tăng cường khả năng của Tel Aviv để chống lại các mối đe dọa từ khắp khu vực Trung Đông.

"Hệ thống THAAD của Mỹ được coi là một trong những hệ thống tiên tiến nhất trên thế giới và cùng với các hệ thống phòng thủ sẵn có, chúng ta đang mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa, gần hoặc xa, xuất phát từ tất cả các khu vực ở Trung Đông", ông nói.

Trong khi Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) khẳng định rằng việc triển khai chỉ mang tính phòng thủ và không liên quan đến bất kỳ sự kiện cụ thể nào hiện nay, nhiều nhà quan sát tin rằng nó đến từ căng thẳng trong khu vực đang tăng cao.

Tel Aviv và đối thủ Tehran thời gian qua đã thường xuyên có những tuyên bố cảnh báo, đe dọa lẫn nhau. Tháng trước, Iran đã tiết lộ một số tên lửa đạn đạo và hành trình mới, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận hải quân lớn ở Vịnh Ba Tư.

Với động thái mới nhất đến từ Mỹ và Israel, người Nga, Iran và đồng minh Syria được cho là sẽ cảm thấy lo ngại trước những kế hoạch thời gian tới của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại