Iran thất vọng vì Nga thất hứa?
Với việc các nhà lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tham dự vòng đàm phán hòa bình mới trong khuôn khổ Astana vào ngày 14/2, mối quan hệ giữa Tehran và Moscow - hai đồng minh chính của Chính phủ Syria trong 8 năm đấu tranh chống phiến quân và các nhóm khủng bố - đang phải đối mặt với thách thức mới trong quan hệ, chủ yếu đến từ yếu tố Israel.
Vào ngày 21/1, các máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công chống lại các mục tiêu được cho là của Iran ở Syria. Các cuộc tấn công được coi là nghiêm trọng nhất kể từ sau sự cố máy bay do thám quân sự IL-20 của Nga bị bắn nhầm bởi một tên lửa phòng không Syria vào ngày 17/9.
Các quan chức Nga cáo buộc thảm kịch này xuất phát từ việc máy bay Israel cố tình đánh lạc hướng phòng không Syria bằng cách trốn đằng sau máy bay do thám Nga. Do đó, Moscow tuyên bố sẽ cung cấp cho Damascus các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tiên tiến và nâng cấp khả năng phòng không của Syria.
Tuy nhiên, các hệ thống tiên tiến của Nga - được một số nhà quan sát xem là yếu tố thay đổi cuộc chơi ở Syria - đã không hoạt động trong đợt không kích mới nhất của Israel.
Nga và Iran đang gặp phải những thách thức trong việc duy trì quan hệ đối tác khăng khít.
Người đứng đầu ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của Quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh đã lên tiếng chỉ trích Moscow, nói rằng: "Nếu hệ thống S-300 ở Syria hoạt động chính xác, quân đội Israel sẽ không thể dễ dàng tiến hành cuộc không kích vào Syria". Ông suy đoán, dường như có sự phối hợp giữa các cuộc tấn công của Israel và phòng không do Nga cung cấp được triển khai ở Syria.
Dư luận Iran, vốn luôn nhạy cảm với mối quan hệ của Tehran với Moscow, càng hoảng hốt hơn khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov nói trong cuộc phỏng vấn ngày 26/1 rằng, an ninh của Israel là ưu tiên hàng đầu của Nga, đồng thời cho biết ông không coi Iran và Nga là đồng minh ở Syria.
Những phát triển này đã dẫn đến sự suy đoán trên các phương tiện truyền thông Iran cho rằng, Nga và Israel đang hợp tác để chống lại họ. Điều này đã dẫn đến câu hỏi, liệu những nhận xét của Falahatpisheh có đồng nghĩa với việc Tehran đang xem xét lại quan hệ đối tác với Moscow ở Syria hay không?
Quan hệ Iran-Nga lung lay vì "vị khách khó chịu" Israel?
Theo nhà phân tích Hamidreza Azizi từ viện Nghiên cứu Iran và Âu-Á, hiện tại không có quan điểm thống nhất nào của giới lãnh đạo Iran về quan hệ đối tác với Nga ở Syria. Trên thực tế, nó được chia làm hai ý kiến đối lập nhau.
Quan điểm thứ nhất, được thúc đẩy chủ yếu bởi phe cải cách, là một quan điểm kinh tế đối với sự hiện diện của Iran ở Syria, khẳng định Iran phải tham gia nghiêm túc vào quá trình tái thiết Syria để bù đắp chi phí bỏ ra trong suốt 8 năm xung đột ở nước này.
Trong chuyến thăm chính thức gần đây tới Damascus vào giữa tháng 1, ông Falahatpisheh đã bày tỏ về vấn đề trên, nói rằng viện trợ tài chính của Iran cho Syria cần phải được giải quyết trong mối quan hệ giữa hai nước.
Lập trường này cũng được lặp lại bởi Behrouz Bonyadi – một thành viên khác trong Quốc hội Iran – với việc đặt ra câu hỏi: "Tại sao chúng ta dễ dàng chi tiêu ở đâu đó trên thế giới mà không thu được về lợi ích kinh tế?". Ông cũng chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad đặt nặng việc hợp tác với Nga hơn là Iran.
Quan điểm này khẳng định rằng, khi Syria tiến tới giai đoạn tái thiết, Iran và Nga đang biến thành đối thủ và người Nga đang cố gắng tước Iran khỏi lợi ích kinh tế trong giai đoạn hậu chiến tranh.
Dựa trên logic như vậy, những nhận xét của Falahatpisheh về hệ thống S-300 có thể được hiểu là Moscow đã ngầm bật đèn xanh cho Israel để nhắm vào lợi ích của Iran, từ đó làm suy yếu vị thế của Tehran trong tương lai ở Syria.
Ngược lại, phe bảo thủ cũng như bộ máy quân sự của Iran trình bày một câu chuyện khác dựa trên quan điểm an ninh đối với mối quan hệ Iran-Nga ở Syria.
Quan điểm này lập luận rằng không hẳn chỉ là lợi ích kinh tế hai bên sẽ có thể đạt được ở Syria và bất chấp các bất đồng tiềm năng hoặc thậm chí là sự cạnh tranh giữa cả hai - hợp tác với Nga đã bảo vệ an ninh cơ bản và lợi ích địa chính trị của Iran ở Syria.
Theo quan điểm này, quan hệ đối tác với Nga không chỉ cứu Syria khỏi rơi vào tay các đối thủ trong khu vực của Iran, mà còn ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố cực đoan trên toàn khu vực có thể đe dọa trực tiếp đến Iran.
Những người đi theo lập trường thứ hai không chỉ ca ngợi mối quan hệ đối tác Iran-Nga ở Syria như một mô hình hợp tác an ninh thành công, mà còn tìm cách mở rộng mối quan hệ đối tác đó sang một khuôn khổ rộng lớn hơn về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Một trợ lý quân sự hàng đầu cho nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi, ngày 28/1 nói rằng Iran nên thành lập một liên minh với Nga và Trung Quốc để đối phó với cuộc chiến tranh giữa các phe đối lập mà Mỹ đang tiến hành chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Đối với mối quan hệ của Nga với Israel, những người có quan điểm định hướng an ninh dường như đang cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với vị thế của Iran ở Syria.
Hãng thông tấn bảo thủ TASnim đã công bố một cuộc phỏng vấn với Đại sứ Nga tại Iran Levan Dzhagaryan vào ngày 29/1, trong đó ông tuyên bố rằng bài phát biểu của Thứ trưởng Ryabkov về Iran và Israel gần đây đã bị truyền thông phương Tây bóp méo và, trên thực tế, Iran và Nga là đối tác chiến lược.
Mặt khác, trong khi hầu hết các cơ quan truyền thông bảo thủ của Iran giữ im lặng về lý do tại sao hệ thống S-300 không hoạt động trong các cuộc tấn công của Israel, phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Ramazan Sharif đã bác bỏ các báo cáo rằng các căn cứ của Iran là mục tiêu bị tấn công.
Nói chung, những chỉ trích gần đây của một số quan chức Iran về vai trò của Nga ở Syria và những tác động của nó đối với lợi ích của Tehran ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này không có nghĩa là Iran đang trong quá trình sửa đổi quan hệ đối tác với Nga. Thay vào đó, các phát biểu khác nhau của Iran chủ yếu đến từ các quan điểm khác nhau về bản chất của Iran liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria.
Trên thực tế, cả Tehran và Moscow đều nhận thức rõ về các điểm hội tụ và chia rẽ của họ ở Syria, nhưng đồng thời cố gắng không để những bất đồng cản trở sự hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi.