Mỹ hành động bất thường trước ngày Fakhrizadeh bị ám sát: Nguy cơ đối đầu quân sự lớn hay nhỏ?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Việc ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh là hành động "dội thêm dầu vào lửa", phá hoại thoả thuận hạt nhân JCPOA, gây tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Ngày 27/11/2020, nhà vật lý hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh đã bị giết trong một vụ ám sát tại khu vực ngoại ô Thủ đô Tehran. Theo các nguồn tin từ Iran, những kẻ tổ chức vụ ám sát này đã sử dụng các loại súng tự động hết sức hiện đại có độ chính xác cao đặt trên một chiếc ô tô được điều khiển từ xa nã hàng loạt đạn vào chiếc xe của ông Fakhrizadeh được được một đội bảo vệ tinh nhuệ hộ tống đang di chuyển trên cung đường trở về Tehran sau một chuyến đi thị sát ở địa phương.

Ai là người đứng sau vụ ám sát?

Đến nay, chưa thể khẳng định được ai là người đứng sau vụ ám sát này vì chưa thu thập được đầy đủ các bằng chứng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, có nhiều dấu hiệu nghi ngờ việc giết hại ông Fakhrizadeh là nằm trong kể hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump và Israel.

Thứ nhất, Israel chủ trương giữ độc quyền về vũ khí hạt nhân tại Trung Đông, không cho phép bất cứ nước nào tại khu vực phát triển chương trình hạt nhân của mình. Năm 1981, không quân Israel đã mở chiến dịch "Operation Opera" tấn công phá huỷ lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq do Pháp giúp đỡ xây dựng ở ngoại ô Thủ đô Baghdad. Năm 2007, không quân Israel cũng đã tiến hành chiến dịch mang tên "Operation Orchad" phá huỷ lò phản ứng hạt nhân Deir Ezor của Syria do Triều Tiên giúp đỡ xây dựng. Theo hướng này, dưới sức ép của Mỹ, Libya cũng đã buộc phải huỷ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Việc ngăn chặn các nước trong khu vực Trung Đông phát triển chương trình hạt nhân là nằm trong kế hoạch xuyên suốt của Israel.

Mỹ hành động bất thường trước ngày Fakhrizadeh bị ám sát: Nguy cơ đối đầu quân sự lớn hay nhỏ? - Ảnh 1.

"Cha đẻ chương trình hạt nhân Iran " bị ám sát hôm 21/11. Ảnh: SalamPix

Thứ hai, Israel bằng mọi cách phá huỷ chương trình hạt nhân Iran. Trong hai năm 2010-2012, bốn nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran đã bị sát hại. Các cơ quan tình báo phương Tây và Mỹ khẳng định Israel có liên quan. Nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh được coi là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan tình báo Israel từ lâu. Năm 2018, khi trình bày về chương trình hạt nhân của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc đến tên ông Fakhrizadeh.

Thứ ba, trong chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Mike. Pompeo (18-23/11/2020), một trong những chủ đề thảo luận với các đồng minh của Mỹ, trong đó có Israel là tập hợp lực lượng chống Iran. Đáng lưu ý, kết thúc chuyến thăm, một cuộc họp bí mật khẩn cấp ba bên giữa Ngoại trưởng Pompeo, Thủ tướng Netanyahu và Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi với sự tham gia của các quan chức cao cấp thuộc Cơ quan tình báo Israel (Mosad) tại thành phố Neom của Ả Rập Saudi. Đây là ba nước chống mạnh mẽ nhất chương trình hạt nhân của Tehran và Thoả thuận hạt nhân ký giữa Iran với các nước P5+1 năm 2015.

Thứ tư, một động thái được cho là bất thường khi Mỹ đưa tàu sân bay Nimitz, nhiều tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược B52 đến vùng Vịnh chỉ hai ngày trước khi xảy ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, việc đưa các phương tiện chiến tranh lớn đến vùng Vịnh không thể không liên quan đến vụ ám sát này.

Phản ứng quốc tế đối với vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

Iran phản ứng hết sức mạnh mẽ và ở mức cao nhất. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố ưu tiên hàng đầu của Iran sau vụ giết người là "trừng phạt đến cùng những kẻ gây án và những kẻ đã ra lệnh". Tổng thống Hassan Rouhani và nhiều quan chức cao cấp khác của Iran đã cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát và tuyên bố sẽ "trả thù khốc liệt" cho cái chết của Fakhrizadeh.

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận sự liên quan của mình vào vụ ám sát. Bộ trưởng Nội các Israel Tzachi Hanegbi nói, ông không biết ai là người đứng sau vụ ám sát này. Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới, trong đó có Mỹ đều cho rằng Israel đứng đằng sau vụ này. Trong khi đó, Iran khẳng định, cũng giống như việc giết hại bốn nhà khoa học hạt nhân Iran trước đây bị sát hại, tổ chức đối lập Mojahedin Khalq (MEK) đã giết M. Fakhrizadeh theo sự chỉ đạo của cơ quan tình báo Mosad. Các nhà chức trách Iran cho biết, những vũ khí thu được tại hiện trường đều mang nhãn hiệu "Chế tạo tại Israel".

Trong một cuộc phỏng vấn với Al-Jazeera, Giáo sư Jawdat Bahjat thuộc Trung tâm Cận Đông và Nam Á thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Iran, cho rằng Israel đứng sau vụ ám sát. Ông nói, "chưa ai chính thức nhận trách nhiệm về vụ ám sát, nhưng việc Thủ tướng Israel Netanyahu hai năm trước đã nhắc đến cái tên Fakhrizadeh làm cho người ta tin rằng Israel đứng sau vụ ám sát".

Ông Bahjat nói thêm "không có cách nào để biết liệu Mỹ có tham gia vào vụ ám sát này hay không, nhưng mối quan hệ thân thiết giữa Washington và Tel-Aviv cho thấy chính quyền Tổng thống Trump có thể đã biết trước".

Dư luận quốc tế nói chung đều coi việc ám sát Fakhrizadeh là một tội ác vi phạm luật pháp quốc tế và quyền con người.

Tổng thư ký LHQ António Guterres ra tuyên bố yêu cầu các bên kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực.

Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố gọi vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh là một "hành động tội ác" và đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền con người mà EU luôn theo đuổi. Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU, Josep Borrell đã lên án vụ giết người có chủ đích và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

Cựu giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran hôm 27/11 là một "tội ác" có nguy cơ làm bùng phát xung đột trong khu vực.

Các nước Ả Rập, trong đó có Jordan, Iraq, Syria, Oman, UAE, Qatar, Bahrain đã lên án vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh, coi hành động này không góp phần hỗ trợ sự ổn định trong khu vực. Syria và Thổ Nhĩ Kỳ gọi đó là một "hành động khủng bố".

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố đã lên án mạnh mẽ vụ sát hại nhà vật lý hạt nhân Fakhrizadeh, coi đây là hành động mang tính chất khiêu khích, khủng bố, gây mất ổn định tình hình, làm trầm trọng thêm khả năng xung đột trong khu vực và đòi trừng trị những kẻ chủ mưu.

Trung Quốc cũng lên án việc giết hại nhà khoa học M. Fakhrizadeh. Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Time), phụ san của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài xã luận cho rằng, vụ giết Fakhrizadeh có thể sẽ mở ra một "chiếc hộp Pandora".

Căng thẳng leo thang liệu có dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự?

Cũng giống như việc sát hại Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Qassem Soleimani tháng 1/2020, các nhà lãnh đạo Iran tuyên bố sẽ "trả thù khốc liệt" cho việc giết hại nhà khoa học hạt nhân M. Fakhrizadeh.

Cùng với việc ám sát Fakhrizadeh, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Nimifz, nhiều tàu chiến, máy bay ném bom chiến lược B-52 đến vùng Vịnh. Các lực lượng hải quân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành tập trận lớn nhất từ trước tới nay tại eo biển Hormuz và vịnh Oman với sự tham gia hơn 1.000 tàu thuyền thuộc nhiều hạng khác nhau, từ hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng.

Mỹ hành động bất thường trước ngày Fakhrizadeh bị ám sát: Nguy cơ đối đầu quân sự lớn hay nhỏ? - Ảnh 3.

Trong tình hình căng thẳng leo thang như vậy, không ai có thể loại trừ khả năng bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran với Mỹ và Israel. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra. Một cuộc chiến tranh không chỉ giới hạn trong phạm vi ba nước này mà sẽ bao trùm lên toàn bộ khu vực Trung Đông. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm, hoàn toàn không có lợi cho bất cứ nước nào.

Chính quyền của Tổng thống D. Trump dù có liều lĩnh đến mấy cũng không thể phát động một cuộc chiến tranh trong tình hình nội bộ nước Mỹ đang rối ren trước thời điểm chuyển giao quyền lực và không được phép của Quốc hội. Việc Mỹ điều các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh chủ yếu nhằm mục đích răn đe.

Iran mặc dù tuyên bố sẽ "trả thù khốc liệt", nhưng vào thời điểm thích hợp. Điều đó có thể hiểu rằng, Tehran sẽ không làm điều gì để tình hình leo thang căng thẳng thêm nữa. Lợi ích lớn nhất của Tehran là chính quyền mới của Mỹ xem xét lại chính sách "gây sức ép tối đa" của chính quyền Trump. Do đó, rất có thể hiện nay Iran đưa ra những lời đe doạ mạnh mẽ để thể hiện thái độ cứng rắn của mình, nhưng không muốn làm tổn hại tới quan hệ với Mỹ. Mục tiêu của Tehran là chờ kết quả bầu cử với hy vọng ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử sẽ thực hiện lời hứa của mình quay trở lại Thoả thuận hạt nhân JCPOA và giảm bớt các biện pháp trừng phạt.

Trong gần hai thập kỷ qua, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất, các vụ ám sát, đe doạ tấn công quân sự... đã không những không buộc được Iran thay đổi chính sách mà còn làm cho họ trở nên cứng rắn hơn. Việc tiếp tục các biện pháp này trong tương lai chắc sẽ không có nhiều tác dụng. Trong tình hình như vậy, nhiều khả năng chính quyền mới của Mỹ sẽ phải tìm ra cách tiếp cận mới trong quan hệ với Iran.

Tiêu đề do Tòa soạn đặt lại!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại