Mỹ-Hàn đối phó với tàu ngầm Triều Tiên bằng cách nào?

Nhật Minh |

Mặc dù không có lực lượng hải quân đáng gờm nhưng Bình Nhưỡng gần đây đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và trước đó từng sử dụng tàu ngầm mini xâm nhập vào Hàn Quốc.

Theo tạp chí National Interest, Hải quân Mỹ đang tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc. Đây là động thái mới nhất của liên minh Mỹ-Hàn nhằm răn đe Triều Tiên.

Trong cuộc tập trận, Hải quân Mỹ đã triển khai USS Spruance (DDG 111) - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke - để tiến hành các bài tập tác chiến chống ngầm với tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc.

Mặc dù không có lực lượng hải quân đáng gờm nhưng Bình Nhưỡng gần đây đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và trước đó từng sử dụng tàu ngầm mini xâm nhập vào Hàn Quốc. Năm 2010, một chiếc tàu ngầm mini của Triều Tiên đã đánh chìm tàu hộ tống Cheonan (lớp Pohang) của Hàn Quốc bằng ngư lôi.

Mỹ-Hàn đối phó với tàu ngầm Triều Tiên bằng cách nào? - Ảnh 1.

Xác tàu Cheonan của Hải quân Hàn Quốc được trục vớt sau khi bị đắm.

"Hoạt động này thể hiện sức mạnh vững chắc và quyết tâm của hải quân Mỹ-Hàn" - Chuẩn Đô đốc Brad Cooper, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại Hàn Quốc và lực lượng đặc nhiệm 78 phát biểu hôm 26/9.

Cuộc tập trận diễn ra không bao lâu sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

"Liên minh Mỹ-Hàn sẽ chống lại các mối đe dọa từ SLBM và chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên với quyết tâm cao" - Phó Đô Đốc Lee Ki-sik, chỉ huy hạm đội Hàn Quốc khẳng định.

Mỹ-Hàn đối phó với tàu ngầm Triều Tiên bằng cách nào? - Ảnh 2.

Tàu khu trục USS Spruance (DDG 111) tập trận cùng với các tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc hôm 25/9.

Các tàu khu trục Aegis, tàu ngầm, trực thăng chống ngầm của Hàn Quốc, máy bay tuần thám P-3 của Mỹ-Hàn đã cùng tàu USS Spruance thực hiện bài tập chống ngầm.

Theo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cuộc tập trận lần này nhằm làm nổi bật khả năng phòng thủ thống nhất của Hải quân Hàn Quốc nói riêng và khu vực nói chung trước các mối đe dọa từ tàu mặt nước, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo.

National Interest nhận định, việc Mỹ triển khai tàu khu trục lớp Arleigh Burke tập trận với Hàn Quốc mang nhiều ý nghĩa. Con tàu này có nhiều điểm chung với các tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc.

Theo Phó Đô đốc James G. Foggo III - chỉ huy Hạm đội 6 Mỹ, tàu khu trục đa nhiệm lớp Arleigh Burke có khả năng chống ngầm rất đáng gờm.

Ngoài ra, với radar SPY-1D và hệ thống chiến đấu Aegis, tàu khu trục lớp Arleigh Burke còn là một trong những loại vũ khí mạnh nhất mà Mỹ có thể sử dụng để đối phó với tên lửa đạn đạo.

Hải quân Hàn Quốc cũng đang vận hành các tàu khu trục Aegis, được thiết kế dựa trên lớp Arleigh Burke và dự định trang bị khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) cho chúng.

Sắp tới, các tàu chiến của Hàn Quốc sẽ được nâng cấp với hệ thống Aegis Baseline 9 mới nhất và sẽ có khả năng phóng tên lửa đánh chặn Raytheon SM-3. Điều này sẽ mang lại cho Seoul năng lực phòng thủ đáng gờm để đánh bại kho tên lửa đạn đạo ngày càng gia tăng của Triều Tiên, trong đó có một số loại mang đầu đạn hạt nhân.

Hiện nay, Hàn Quốc đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên. Động thái này đã khiến Bắc Kinh và Moscow vô cùng lo ngại.

Tháng 7 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Trung Quốc hối thúc Mỹ và Hàn Quốc ngưng quá trình triển khai hệ thống phòng thủ THAAD, không được có bất cứ hành động nào khiến tình hình khu vực thêm phức tạp và phương hại tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, việc triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ đem tới những "hậu quả không thể sửa chữa được". Moskva cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại