Theo đó, radar của đối phương không thể định vị được các máy bay chiến đấu F-22 và F-35.
Nguyên mẫu máy bay tàng hình đầu tiên đã cất cánh cách nay hơn 40 năm. Nhà báo Gernot Kramper viết: "Đã 42 năm trôi qua kể từ khi chiếc máy bay thử nghiệm đầu tiên Hopeless Diamond thuộc chương trình Have Blue cất cánh vào năm 1977. Nó được xem là máy bay tàng hình đầu tiên".
Một trong những nguyên mẫu máy bay tàng hình. Ảnh: STERN
Ông khẳng định mục đích của công trình nghiên cứu bí mật tuyệt đối là làm giảm dấu vết của máy bay trong radar xuống bằng kích cỡ của một con chim. Do nhiều loại tên lửa phòng không được phát triển trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ sợ đánh mất ưu thế trên không so với quân đội các nước tham gia Hiệp ước Warsaw.
Chiến đấu cơ F-22. Ảnh: MILITARY FACTORY
Máy bay trinh sát U-2 và sau đó là "Chim két" SR-71 được phủ lớp sơn hấp thụ vô tuyến, làm giảm diện tích tán sắc của máy bay nên không dễ bị định vị. "Thế nhưng, chúng không hoàn toàn tàng hình" - tờ báo viết.
Tuy nhiên, theo Stern, chính người Nga đã đưa ra cơ sở khoa học để chế tạo máy bay tàng hình ở Mỹ.
Chiến đấu cơ F-35. Ảnh: UKDJ
Thực vậy, các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện bước đột phá trong việc tạo ra máy bay tàng hình nhờ vào công trình nghiên cứu trước đó của nhà khoa học người Nga Peter Yakovlevich Ufimtsev.
Ông này đã phát triển các mô hình toán học có thể tính toán diện tích tán xạ hiệu quả của một chiếc máy bay. "Nhà nghiên cứu hàng đầu của Mỹ Ben Rich sau này đã gọi thuật toán này là "đột phá trong công nghệ tàng hình" - tờ báo cho biết.
Nhà báo Kramper xác nhận ngày nay ưu thế trên không của Mỹ vẫn dựa trên công nghệ tàng hình. Việc tạo ra mẫu máy bay đầu tiên đã diễn ra với sự bảo mật nghiêm ngặt.
Dư luận biết đến công nghệ tàng hình chỉ khi chiến đấu cơ F-117 xâm nhập Panama vào năm 1989 và trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990. Ngày nay, công nghệ này được sử dụng cho máy bay ném bom chiến lược B-2, máy bay chiến đấu F-22 và các mẫu thuộc dòng F-35.
Trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy thời đại của máy bay tàng hình có thể kết thúc. Lúc này, người ta có thể sử dụng điều gọi là radar thụ động cho mục đích quân sự.
Trong cuộc khủng hoảng ở Syria, đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, tướng Igor Konashenkov, tuyên bố rằng "những ảo tưởng của giới không chuyên về sự tồn tại của máy bay tàng hình có thể phải đối mặt với một thực tế đáng thất vọng".
Tuy nhiên, tạp chí Stern lưu ý cho đến khi xảy ra xung đột giữa các cường quốc, tất cả các giả định về sự tồn tại của công nghệ "chống tàng hình" sẽ vẫn mang tính suy đoán cao mà thôi.