Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra sau khi Anh xác nhận sẽ cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình Storm Shadow với tầm bắn lên tới hơn 250km.
"Các quốc gia khác nhau sẽ tiến hành những bước đi khác nhau phụ thuộc vào khả năng của họ", Ngoại trưởng Blinken nhận định với PBS NewsHour, đồng thời cho biết Mỹ đã "cung cấp một vài thứ đặc biệt cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột".
Tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Ảnh: Lockheed Martin Corporation
Ông cho biết Washington cần chắc chắn rằng Ukraine được huấn luyện tốt và đủ khả năng để sử dụng những hệ thống vũ khí tiên tiến hơn.
"Nếu họ không biết cách sử dụng, nó sẽ không phát huy được hiệu quả. Nếu họ không biết cách bảo trì, khi giao các vũ khí này cho họ, chúng sẽ vỡ thành nhiều mảnh trong 7 ngày", ông Blinken cho hay.
Hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley khẳng định Mỹ sẽ không cung cấp tên lửa ATACMS (với tầm bắn khoảng 300km) cho Ukraine bởi động thái này sẽ làm suy giảm kho vũ khí của Lầu Năm Góc.
Ngoại trưởng Blinken nhận định, Mỹ và đồng minh "đang trao đổi gần như mỗi ngày" với Kiev.
"Nếu có những khoảng trống hay sự thiếu hụt, họ sẽ nói với chúng tôi và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để bổ sung cho họ", Ngoại trưởng Mỹ nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo ngày 11/5 rằng các tên lửa Storm Shadow sẽ "cho phép Ukraine đẩy lùi các lực lượng của Nga trên lãnh thổ Ukraine".
Các quan chức Ukraine nhận định, thành công của cuộc phản công Nga phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí hạng nặng. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Mikhail Podoliak, tuần này cho biết các tên lửa tầm xa có thể được sử dụng để tấn công Bán đảo Crimea.
Nga cảnh báo các đợt vận chuyển vũ khí trên sẽ khiến các nước NATO trở thành bên trực tiếp tham gia vào xung đột. Theo Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov, quân đội Nga sẽ tìm kiếm "câu trả lời phù hợp" cho việc Anh hỗ trợ Ukraine tên lửa Storm Shadow./.