Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, vụ phóng giả lập trên được tiến hành tại đảo Wallops, bang Virginia và là một phần của cuộc tập trận MSLEX. Kết quả cuộc thử nghiệm hiện vẫn chưa được thông bố.
Để chuẩn bị với khả năng đối phó với các dòng tên lửa diệt hạm siêu thanh thế hệ mới của Nga, tháng 2-2019, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với hãng chế tạo Northrop Grumman về việc nâng cấp và sửa đổi tên lửa giả lập mục tiêu GQM-163A Coyote mô phỏng đúng theo các tham số thường thấy của các tên lửa Nga.
Theo đó, phiên bản nâng cấp của tên lửa GQM-163A Coyote được tích hợp hệ thống phản xạ lưỡng cực tạo ra tín hiệu tương đồng với tên lửa hành trình Kalibr, đặc biệt là ở giai đoạn bay cuối.
Thông thường, tên lửa diệt hạm của Nga ở pha bay cuối cùng sẽ hạ thấp độ cao bay bám mặt biển để giảm khả năng bị đánh chặn, cũng như nâng cao hiệu quả tiêu diệt mục tiêu (đầu đạn sẽ đánh trúng các khoang ở mép nước khiến kết cấu khung thân của chiến hạm bị phá vỡ).
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc Mỹ cố gắng giả lập tên lửa Kalibr sử dụng trong các cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng đối phó với các dòng tên lửa siêu âm thế hệ mới của Nga. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo mật, hầu hết các thử nghiệm dạng này rất ít khi được công bố công khai.
Tên lửa GQM-163A Coyote được Quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi làm bia bay. Với kết cấu tương tự như các dòng tên lửa hành trình hiện đại, GQM-163A sử dụng tầng khởi tốc nhiên liệu rắn Hercules MK 70 và động cơ phản lực MARC-R-282.
Dòng tên lửa bia bay này lần đầu tiên được giới thiệu năm 1990 với vai trò tương tự như tên lửa X-31 của Nga. Trong nhiều thập kỷ, GQM-163A thường giả lập như các dòng tên lửa siêu thanh P-700 Granit và Mosqito trong các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ.
Tên lửa GQM-163A Coyote được lập trình để có đường bay tương tự như các dòng tên lửa diệt hạm siêu âm của Nga.