Mỹ-EU phức tạp, Trung Quốc "gom vội" đồng minh

Thúy |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng tích cực thực hiện các cuộc điện đàm với EU. Bắc Kinh đang hướng tới châu Âu khi khu vực này đang chịu áp lực từ Mỹ.

Tăng cường đối thoại với EU

Bắc Kinh tăng cường tần suất các cuộc trao đổi với những lãnh đạo châu Âu trước cuộc đối thoại chiến lược Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell.

Có nhiều vấn đề cần được giải quyết trong cuộc đối thoại, bao gồm một thỏa thuận đầu tư song phương còn dang dở, mâu thuẫn về vấn đề Trung Quốc ban hành Luật an ninh đối với Hồng Kông.

Tuần trước, ông Tập đã thực hiện cuộc điện đàm thứ tư trong năm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và cuộc điện đàm thứ năm trong năm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong khi đó, ông Tập mới chỉ nói chuyện hai lần với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm nay do mối quan hệ Mỹ-Trung đang rối ren giữa bất đồng vì đại dịch Covid-19.

Mỹ-EU phức tạp, Trung Quốc gom vội đồng minh - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh EPA.

Châu Âu chịu sức ép từ Mỹ

Các quốc gia châu Âu đang chịu áp lực từ phía Trump. Tổng thống Mỹ vào thứ Bảy (6/6) cảnh báo sẽ áp thuế đối với hàng hóa của EU và Trung Quốc để trả đũa các biểu thuế nhằm vào tôm hùm Mỹ.

Ngay sau đó, vào ngày 7/6, ông Trump phê duyệt quyết định rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức. Nhận xét về động thái này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói mối quan hệ Đức-Mỹ đã trở nên "phức tạp" từ khi ông Trump làm Tổng thống.

Theo ông Frans-Paul van der Putten, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael, Hà Lan, các nhà lãnh đạo và ngoại giao Trung Quốc chú ý hơn tới châu Âu kể từ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương (giữa Mỹ và EU) phức tạp sau cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2003-04.

Mỹ-EU phức tạp, Trung Quốc gom vội đồng minh - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và binh lính Mỹ tại Đức. Ảnh: AP.

Hợp tác nhưng vẫn dè dặt

Ông Frans-Paul van der Putten nói: "Hợp tác Trung Quốc-EU có thể cải thiện thêm rất nhiều những vấn đề về kinh tế và biến đổi khí hậu. Cả hai bên đang siết chặt mối quan hệ trong thời gian gần đây, tuy nhiên không thể tránh được những hạn chế còn tồn đọng. Trong đó bao gồm việc [EU] phải tính toán để tránh làm giảm tiềm năng kinh tế, gắn kết trong nội bộ và niềm tin chính trị của mình."

Đối với vấn đề Luật an ninh Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông, Shi Zhiqin, người đứng đầu Chương trình hợp tác Trung Quốc-EU tại khoa Chính sách Toàn cầu thuộc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, Bắc Kinh nhận xét "So với Mỹ, phản ứng của EU có phần dè dặt hơn."

"Trong hai năm vừa qua, mối quan hệ Mỹ-Trung không mấy tốt đẹp, đặc biệt kể từ khi hai nước không ngừng đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19. Mặc dù có những căng thẳng, Trung Quốc có mối quan hệ với EU tốt hơn với Mỹ. Hai bên có những nguyên tắc chung như đề cao chủ nghĩa đa phương khi giải quyết các vấn đề thế giới."

Ông Shi cho biết mối quan hệ với Đức sẽ đặc biệt được chú trọng trong các chương trình nghị sự của Trung Quốc nửa cuối năm 2020, do Đức sẽ đảm nhận nhiệm kì Chủ tịch luân phiên EU trong vòng 6 tháng tới, bắt đầu từ 1/7.

Trong cuộc điện đàm tuần trước, ông Tập và bà Merkel đã thảo luận vấn đề hợp tác biến đổi khí hậu và việc hỗ trợ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, cũng như xác nhận hoãn Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập với 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU vào giữa tháng 9 tại Leipzig, Đức do Covid-19.

Hầu hết các nước EU đều nghi ngờ mối quan hệ với Bắc Kinh, do nước này chưa có nhiều hành động tuy đã hứa hẹn sẽ mở cửa thị trường rộng hơn cho các công ty châu Âu - theo Francois Godement, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Montaigne, Paris.

Godement cho rằng, nhân tố làm mối quan hệ hai bên thêm căng thẳng là việc các nước châu Âu có nên cho phép nhà sản xuất mạng viễn thông Huawei (Trung Quốc) xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực này hay không.

"Trung Quốc nói rất nhiều về chủ nghĩa đa phương nhưng lại không hề nhượng bộ trong các đàm phán với châu Âu trong năm nay," ông Godement nói.

"Tôi không nghĩ là có sự thay đổi thái độ [ở EU] về Trung Quốc. Các ý kiến nhìn chung là tiêu cực, và có lẽ các quốc gia thành viên EU sẽ không giải quyết các vấn đề về mạng 5G theo hướng có lợi cho Trung Quốc."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại