"Vì mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc quá quan trọng"
Các nhà lãnh đạo châu Âu "không có tâm trạng" để hợp lực với Mỹ trong việc đe dọa trừng phạt thương mại Trung Quốc vì vấn đề liên quan tới Hồng Kông, dù các ngoại trưởng Châu Âu sẽ tham dự cuộc họp về vấn đề này trong ngày hôm nay (29/5), báo Politico đưa tin.
Hôm 28/5 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự luật an ninh quốc gia về Hồng Kông, dấy lên những lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ giới hạn quyền tự chủ của Hồng Kông được quy định trong chính sách "Một quốc gia, hai chế độ" sau khi Anh trao trả đặc khu này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Các nước Mỹ, Canada, Australia và Anh đã lên án động thái của Bắc Kinh là "vi phạm nghĩa vụ đã kí kết năm 1984 về Hồng Kông", trong khi đó, phía Anh cũng cảnh báo về khả năng cấp quyền công dân cho khoảng 300.000 công dân Hồng Kông có hộ chiếu Anh (hộ chiếu BNO), nếu như Trung Quốc không rút lại quyết định này.
Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng leo thang trên trường quốc tế liên quan tới Hồng Kông, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn khẳng định rằng bà muốn Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trong năm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ 5 (28/5) đã hé lộ về những chính sách mới của Mỹ sẽ được công bố trong ngày hôm nay (29/5), đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ "không hài lòng với Trung Quốc" sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ sự hoài nghi về việc Hồng Kông tiếp tục được duy trì tình trạng thương mại đặc biệt. Mặc dù vậy, phía EU vẫn tiếp tục không thay đổi cách thể hiện quan ngại.
Ông Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, cho biết ông "quan ngại sâu sắc" về động thái của Trung Quốc hôm 28/5. Trước đó, ông Borrell từng khẳng định rằng Brussels "rất coi trọng việc duy trì mức độ tự chủ cao của Hồng Kông".
Tuy nhiên, trước động thái mới nhất của Trung Quốc, ông này đã bình luận rằng "các đòn trừng phạt nhằm vào Trung Quốc có thể không phải là giải pháp cho những vấn đề của chúng ta [EU]".
Về phần Thủ tướng Merkel, bà nói rằng EU - khối thương mại lớn nhất thế giới - cần duy trì đối thoại mang tính xây dựng, và khẳng định việc trừng phạt trả đũa không nằm trong kế hoạch của khối này.
"Các đòn trừng phạt không nằm trong số những lựa chọn của chúng tôi, chỉ đơn giản là vì mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc quá quan trọng", một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết.
Nhà ngoại giao này cũng nói thêm rằng Hồng Kông có thể là "một nhân tố thay đổi cuộc chơi", trong bối cảnh nhiều câu hỏi bắt đầu xuất hiện xung quanh luật lệ tại thành phố 7 triệu người có rất nhiều nhà đầu tư châu Âu này.
Các nhà đầu tư châu Âu đã cảm nhận được "sức nóng" tại Hồng Kông từ năm ngoái
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là liệu động thái của Trung Quốc về Hồng Kông có ảnh hưởng tới thỏa thuận đầu tư của EU với Trung Quốc hay không.
Phía Đức muốn thỏa thuận này được chốt tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, dự kiến diễn ra tại thành phố Leipzig vào tháng 9 năm nay, dù thỏa thuận này đã có một số vấn đề trước khi những tranh cãi xung quanh vấn đề Hồng Kông nổ ra.
Ông Michael Clauss, đại sứ của Đức tại EU và đồng thời là cựu đại sứ của nước này tại Trung Quốc, từng thừa nhận vào đầu tháng này rằng các cuộc đối thoại giữa EU và Trung Quốc đang bị "mắc kẹt" ở những điều khoản liên quan đến quyền tiếp cận thị trường của các công ty, tập đoàn châu Âu.
Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cũng đã cảnh báo rằng những diễn biến tại Hồng Kông có thể gây tác động tiêu cực tới lập trường ngoại giao của Trung Quốc.
"Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những cuộc đàm phán đang được tiến hành giữ EU và Trung Quốc về nhiều lĩnh vực như thỏa thuận toàn diện về đầu tư, hay về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như biến đổi khí hậu", ông Wuttke nói.
Hình ảnh minh họa.
Một quan chức cấp cao của EU đã cảnh báo rằng dự luật an ninh quốc gia về Hồng Kông của Trung Quốc có thể khiến các nhà đầu tư châu Âu không còn muốn tiếp tục đổ tiền về Trung Quốc và đặc biệt là Hồng Kông.
"Một trong những vấn đề chủ chốt tại Hồng Kông là sự thay đổi đột ngột và đột ngột về khuôn khổ pháp lý, đảm bảo pháp lý, về cách hệ thống tư pháp hoạt động. Nếu bạn là một nhà đầu tư, thì đó là những yếu tố quan trọng mà bạn cần tính toán khi đưa ra quyết định", theo nhà ngoại giao này.
Việc tháo chạy vốn đầu tư sẽ là một vấn đề rất lớn đối với Hồng Kông, nơi luôn nỗ lực khuyến khích các nhà đầu tư rót tiền bằng những chính sách cởi mở. Đặc khu Hồng Kông từng xếp thứ 3 trong danh sách những địa điểm thu hút nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU. Gần 50% trong số các công ty của EU tại Hồng Kông cũng đặt trụ sở của mình tại thành phố này.
Sau Trung Quốc, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Kông; trong đó, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông tại châu Âu, với tổng giá trị trao đổi thương mại lên đến 15,4 tỉ USD trong năm 2019.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu cảm nhận được "sức nóng" tại Hồng Kông kể từ năm ngoái sau khi chính quyền đặc khu thất bại trong việc thông qua dự luật dẫn độ sang Trung Quốc gây tranh cãi.
"Chính quyền đặc khu Hồng Kông đã mất đi rất nhiều tín nhiệm. Tôi không hề ngạc nhiên nếu như các doanh nghiệp bắt đầu rời khỏi thành phố này, hoặc cắt giảm hoạt động và nhân sự tại các cơ sở của họ ở Hồng Kông", ông Julien Chaisse, một giáo sư tại Hồng Kông nhận định rằng xu hướng các công ty nước ngoài rời khỏi đặc khu Hồng Kông sẽ được thể hiện rõ ràng sau mùa hè năm nay.
Trong khi đó, ông Reinhard Buetikofer, Reinhard Buetikofer, một nghị sĩ Đức trong Nghị viện châu Âu, cho rằng trong cuộc họp ngày hôm nay, các ngoại trưởng EU cần "lên tiếng rõ ràng và lên án việc Bắc Kinh có động thái công kích quyền tự chủ của Hồng Kông".
EU không muốn đi chung đường với Mỹ?
Trong cuộc thảo luận với các nhà ngoại giao Đức hôm thứ 2 (25/5) vừa qua, ông Borrell đã nêu ý kiến rằng "áp lực phải chọn phe [giữa Mỹ và Trung Quốc] đang ngày càng gia tăng", và "[Đức] cần một chiến lược thiết thực hơn đối với Trung Quốc".
Tuy nhiên, trong một phát biểu hôm 27/5, Thủ tướng Merkel lại cho rằng châu Âu cần tránh làm theo chiến lược của Mỹ - tức việc đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Bà Merkel thừa nhận rằng EU có những khác biệt rất lớn với Trung Quốc về luật pháp, quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, nhưng EU cần theo đuổi một cách tiếp cận khác so với Mỹ.
"Những khác biệt cơ bản tồn tại giữa [EU và Trung Quốc] không nên trở thành lí do để tranh cãi và cản trở việc trao đổi, đối thoại và hợp tác, đặc biệt là trong thời điểm chúng ta đang chứng kiến mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng", bà Merkel kết luận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: