Hoạt động của các máy bay ném bom Mỹ diễn ra cùng thời gian với nhiều chiến dịch khác của Không quân và Hải quân Mỹ trên biển Đông, Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay. Tờ South China Morning Post ngày 20-5 dẫn cảnh báo của các nhà quan sát quân sự về nguy cơ cao xảy ra xung đột quân sự.
Theo thông báo của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương ngày 19-5 trên Twitter, các máy bay ném bom B-1B vừa triển khai nhiệm vụ trên biển Đông, vài ngày sau đợt huấn luyện cùng Hải quân Mỹ gần Hawaii, nhằm "thể hiện uy tín của Không quân Mỹ khi phải ứng phó với môi trường an ninh đa dạng và không chắc chắn".
Không quân Mỹ điều 4 chiếc B-1B và khoảng 200 lính không quân từ Texas đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam từ ngày 1-5, để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương tiến hành các hoạt động chính thức và huấn luyện cùng các đồng minh và đối tác.
Ông Lý Kiệt, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng những hoạt động này cho thấy Mỹ đang cố gắng duy trì năng lực răn đe chiến lược. Không quân Mỹ thực hiện 11 lần xuất kích trong tháng 3 và 13 lần trong tháng 4 trên biển Đông và eo biển Đài Loan.
Ông Lý Kiệt nói: "Rõ ràng những người quyết định chính sách ở Lầu Năm Góc đang cố gắng sử dụng máy bay ném bom như một công cụ mới để khẳng định năng lực răn đe chiến lược trước Trung Quốc . Chúng ta thấy B-1B gia tăng hoạt động ở eo biển Đài Loan và biển Đông trong tháng 5".
Hai chiếc B-1B Lancer của Mỹ thực hiện nhiệm vụ kéo dài 32 giờ trên biển Đông vào ngày 29-4. Các máy bay quân sự khác cũng hiện diện trên vùng biển.
Ngày 14-5, Hải quân Trung Quốc triển khai đợt tập trận 11 tuần trên vùng biển ngoài khơi TP Đường Sơn thuộc Hoàng Hải. Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan cùng hôm đó. Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 20-5 nói rằng Hải quân Mỹ vừa triển khai đợt huấn luyện chiến tranh thủy lôi trên biển Hoa Đông.
Một chiếc Super Hornet F/A-18F được phóng từ sàn máy bay của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương ngày 18-3. Ảnh: Hải quân Mỹ
Chuyên gia Chu Phong thuộc ĐH Nam Kinh cho rằng biển Đông trở nên "ngày càng căng thẳng và hỗn loạn" trong 3 tháng qua và có liên quan chặt chẽ đến mâu thuẫn ngoại giao và chính trị Mỹ - Trung.
Mỹ lo Covid-19 có thể tạo cơ hội để Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự trên biển Đông. Ông Chu Phong nhận định: "Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc có thể càng khiến chính quyền Donald Trump tiếp tục nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một kế hoạch quan trọng để Mỹ thuyết phục các đồng minh ở khu vực đứng về bên mình và xa lánh Trung Quốc".
Theo nhà bình luận quân sự Tống Trọng Bình ở Hồng Kông, hoạt động của các máy bay Mỹ không chỉ khẳng định hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà hơn thế nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai.
"B-1B, thay thế cho B-52, cần tuần tra quanh vùng biển này để nắm rõ điều kiện chiến trường. Mỹ - Trung đang bước vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn dữ dội hơn Chiến tranh Lạnh. Không thể loại trừ rủi ro xảy ra xung đột quân sự trên biển Đông và eo biển Đài Loan. Và rủi ro đó ngày càng lớn" - ông Tống cho biết.